Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng Lean công nghệ số |
Dệt may là một trong những ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,9%/năm trong 20 năm qua. Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, “kim chỉ nam” vô cùng cần thiết đối với ngành dệt may. Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp cần cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; xây dựng và khai thác dữ liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đặc biệt phải có nguồn nhân lực đáp ứng được quá trình chuyển đổi số.
Trước thực tiễn đó, với vai trò là trường duy nhất tại Việt Nam đào tạo nhân lực cốt lõi cho ngành dệt may theo chuỗi hoàn chỉnh, hiện, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đang đào tạo trình độ đại học gồm 8 chương trình: Công nghệ sợi dệt, thiết kế thời trang, công nghệ may, quản lý công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, marketing thời trang, kế toán.
Các công đoạn may được số hóa giúp sinh viên thao tác dễ dàng và chính xác |
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội - cho biết, với tầm nhìn đến năm 2045, nhà trường phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng hàng đầu của Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực dệt may, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nhà trường đã xác định, phải đào tạo nguồn nhân lực định hướng ứng dụng có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, chuyên nghiệp trong môi trường toàn cầu; có năng lực nghiên cứu, tổ chức sản xuất thử nghiệm và chuyển giao công nghệ phục vụ ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dệt may.
Để thực hiện, giai đoạn 2015 - 2020, nhà trường đã từng bước thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, các lĩnh vực được chuyển đổi số của nhà trường gồm: Quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học... Đặc biệt, chuyển đổi số trong đào tạo đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Điều này được thể hiện rõ trong thời kỳ giãn cách do dịch Covid-19, các học phần lý thuyết và thực hành tư duy, tổ chức bảo vệ khóa luận được trường thực hiện trực tuyến thông qua phần mềm Zoom, Ms Team, Google meet. Phần mềm thi trực tuyến cũng được đưa vào để đánh giá người học. Hơn 20.000 học liệu đào tạo và giáo trình, tài liệu học tập được số hóa hoàn toàn để sinh viên có thể đọc trong thư viện điện tử hoặc truy cập vào thư viện số để tìm kiếm và nghiên cứu vào bất cứ thời gian nào, địa điểm nào có kết nối internet.
Sinh viên nhà trường đang học các phần mềm thiết kế |
Bên cạnh đó, nhà trường đã đầu tư hạ tầng công nghệ với hai đường truyền internet cáp quang tốc độ cao phục vụ cho việc kết nối mạng của hơn 750 máy tính phục vụ cho công tác nghiệp vụ trên không gian số, đào tạo trực tuyến. Các phần mềm phục vụ quản lý, giảng dạy gồm: Thiết kế thời trang ảo Clo3D giúp sinh viên thiết kế bộ sưu tập và sàn trình diễn 3D hoàn toàn trên máy tính, phần mềm sáng tác mẫu Illustrator, phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP, phần mềm quản lý đào tạo và nhiều phần mềm chuyên dụng khác. Để đào tạo nhân lực vận hành nhà máy may thông minh cho doanh nghiệp dệt may, nhà trường đã đưa phòng học thông minh và phòng học đa phương tiện vào giảng dạy cho sinh viên ngành công nghệ may. Tại đây, các máy may được kết nối internet, sinh viên được thực hành, triển khai mô hình Lean trong nhà máy với sự hỗ trợ của các công nghệ số điện toán đám mây Digital Lean...
Trong giai đoạn 2021 - 2025, nhà trường xác định tiếp tục thực hiện chuyển đổi số; xây dựng nhà máy thuộc trường thành nhà máy thông minh để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vừa làm mô hình điển hình về chuyển đổi số cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. |