Quảng Nam ưu tiên phát triển công nghiệp ô tô, cơ khí Cần có những thể chế rõ ràng thúc đẩy liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung |
Sáng 1/7, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Những bước tiến vượt bậc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, Quảng Nam đã từng bước liên kết, hợp tác phát triển kinh tế- xã hội với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (năm 2021), tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 68,9% (năm 2005) lên gần 86% (năm 2021). GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 5,1 triệu đồng/người (năm 2004) lên 67,6 triệu đồng/người. Năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 23 ngàn tỷ đồng, gấp 15,4 lần so với năm 2005; trong đó, thu nội địa tăng gấp 31,24 lần, thu xuất nhập khẩu tăng 5,5 lần; là một trong 16 tỉnh, thành có đóng góp về ngân sách Trung ương.
Gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, tỉnh Quảng Nam đã có những bước tiến vượt bậc |
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh có những tín hiệu phát triển khả quan, chỉ số sản xuất trên các lĩnh vực tăng mạnh. GRDP đạt gần 60 nghìn tỷ đồng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tốc độ tăng trưởng đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương có quy mô và mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện là 18.681 tỷ đồng (đạt 78,8% dự toán năm) trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.600 tỷ đồng (đạt 71,6% dự toán năm).
Quảng Nam được xem giữ vai trò là nhân tố quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhiều hạ tầng chiến lược, như: Sân bay, cảng biển tại Khu kinh tế mở Chu Lai là điều kiện thuận lợi để kết nối Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong cả nước và trở thành đầu mối, “trạm trung chuyển quốc tế” đi các nước trên thế giới. Quy mô và cơ cấu kinh tế Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường thu hút các dự án đầu tư và đóng góp cho ngân sách Trung ương. Hình thành, phát huy tốt tiềm lực công nghiệp với định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việc tạo dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là ưu điểm vượt trội của Quảng Nam, nhờ đó, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước và tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đã đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, như: Thaco, VinGroup, Hyundai, Mazda,... Nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm, kinh tế biển là trụ đỡ
Tại Hội nghị, đại diện các ban, bộ ngành đã đưa ra nhiều đề xuất, ý kiến để Quảng Nam phát triển trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, chú trọng thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội đối với các huyện miền núi, chú trọng đời sống cho bà con dân tộc thiểu số; tăng cường kết nối du lịch với các tỉnh thành trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hướng phát triển du lịch xanh, bền vững; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng còn chậm. Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của sản phẩm. GRDP bình quân đầu người còn thấp so với cả nước. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, thiếu nguyên liệu sản xuất tại chỗ. Môi trường đầu tư chậm cải thiện; cải cách hành chính chưa đồng bộ; phối hợp của các ngành và địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư thiếu chặt chẽ….
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phát biểu tại Hội nghị |
Để phát triển Quảng Nam trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần phát huy hơn nữa tiềm năng để phát triển Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mạnh về kinh tế biển. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm, kinh tế biển là trụ đỡ… khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả không gian biển, tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển bền vững các tiểu vùng; đẩy mạnh phát triển đô thị, hình thành một mạng lưới đô thị có tầng bậc, liên kết và hỗ trợ phát triển lẫn nhau… Đồng thời, khắc phục các hạn chế, yếu kém và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư coi đây như những “dư địa” cần được khai thác để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đảng bộ tỉnh Quảng Nam sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phải có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia và là công cụ quản lý, hỗ trợ thu hút đầu tư và quản lý phát triển.
Phối hợp hoàn thiện thể chế và cơ chế để tăng cường liên kết vùng, nhất là với các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế, nhất là các tỉnh Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.