Từ xa xưa, các thế hệ cha ông đã đúc kết để lại cho con cháu lời dạy chí lí, chí tình: “Ăn cây nào, rào cây ấy”. Ở phạm vi hẹp, câu tục ngữ khuyên hái quả cây nào thì cần biết rào giậu, bảo vệ và chăm sóc để cây cho trái thường xuyên, tránh muông thú phá hoại, người khác hái hoa, bẻ cành, trộm quả.
Ở nghĩa rộng, lời dạy này khuyên các thế hệ đời sau về đạo đức lối sống có liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người trong tập thể và xã hội. Trong một tập thể hay tổ chức, mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, phát triển, khắc phục khó khăn để đưa tổ chức của mình tiến lên.
Chữ “rào” trong câu tục ngữ không có nghĩa là chỉ tìm cây sai quả để bảo vệ chăm sóc, mà là “rào” cái cây của mình. Trách nhiệm của các cá nhân là chăm sóc, bảo vệ để cây của mình tốt tươi, đơm hoa kết trái, tổ chức của mình phát triển vững mạnh.
Nhìn vào quá khứ, Đảng ta ra đời trong bối cảnh khủng hoảng đường lối cứu nước, những năm tháng đó dân tộc ta đang lầm than dưới ách nô lệ, đa phần nhân dân lao động đều mù chữ, nghèo đói.
Có lẽ mọi thứ với nhiều người ở buổi ban đầu đi theo ngọn cờ của Đảng không ngoại trừ chỉ để mong một điều gì thay đổi, đỡ cơ cực hơn những ngày đang sống dưới ách cai trị của thực dân, phong kiến. Tuy nhiên, trải qua thời gian dưới sự giáo dục về nhận thức, sự tôi rèn bản lĩnh chính trị trong chiến đấu, mà đội ngũ đảng viên đã trưởng thành, nâng cao nhận thức, thấm nhuần tư tưởng, đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc lên trên hết. Kể từ đó, phấn đấu vào Đảng là phấn đấu cho lý tưởng, để cống hiến, không phải chăm chăm bảo vệ lợi ích cá nhân. Phấn đấu trở thành đảng viên là đi theo lý tưởng, mục đích, lẽ sống, thấm nhuần về tư tưởng chuyển hóa thành hành động cụ thể của mỗi đảng viên nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và nhân dân. Vì thế, khái niệm “lợi ích” mà bài viết đề cập ở đây là lợi ích trường tồn của dân tộc, của Tổ quốc với lý tưởng xã hội chủ nghĩa chứ không phải là lợi ích cá nhân.
Ở một góc nhìn khác, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đảng ta chưa bao giờ quán triệt chỉ có cái chung, mà quên đi cái riêng của mỗi con người, của từng đảng viên. Đảng luôn nhìn nhận trong cái chung có cái riêng và ngược lại, như hai mặt biện chứng cùng tồn tại. Phát triển cái chung là để tạo môi trường cho cái riêng có điều kiện phát triển. Con người trở thành tâm điểm và đích đến để phụng sự và mỗi cá nhân có thể phát triển tốt nhất năng lực, tiềm năng của bản thân. Thừa nhận ủng hộ cái riêng, yếu tố “con người” trong mỗi đảng viên chính là Đảng ta đã không thần thánh hóa bản chất tự nhiên rất “người” trong mỗi đảng viên với những phẩm chất giản dị, mộc mạc, cần, kiệm, liêm, chính và cũng có nhiều ước mơ, hoài bão.
Trải qua 94 năm Đảng ta lãnh đạo và cầm quyền, trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để "đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Mặc dù vậy, những thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị vẫn không cam tâm, chúng luôn rêu rao những luận điệu xuyên tạc nhằm bôi nhọ, phủ nhận sạch trơn. Nào là Đảng độc tài, cần đa đảng, Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, Đảng lãnh đạo không hiệu quả…v.v. Những thế lực ấy, những luận điệu ấy như những con thú, con sâu muốn phá đi cái “cây” của chúng ta. Mục tiêu cuối cùng của các thế lực chống phá là nhằm lật đổ, vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Hành vi và hoạt động chống phá ngày càng tinh vi, không chỉ dừng lại ở truyền thông, hay cấp kinh phí xúi giục những người dân có hiểu biết hạn chế tham gia các hoạt động gây rối, mà giờ đây những luận điệu chống phá đánh thẳng vào tư tưởng của những người có trình độ cao, có ảnh hưởng lớn, dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong chính những con người được Đảng tin cậy, giao trọng trách.
Luận điệu xuyên tạc có xu hướng sử dụng hiện tượng nhằm lập lờ tráo đổi bản chất, đánh tráo khái niệm, nghe qua tưởng có tính thuyết phục cao. Tuy nhiên, trên thực tế những luận điệu xuyên tạc khác xa bản chất của sự việc. Về bất cứ vấn đề gì, các thế lực chống đối, phản động đều có thể dựa vào đó để xuyên tạc, phân tích theo chiều hướng tiêu cực, lợi dụng mạng xã hội để tiêm nhiễm, kích động dư luận với các luận điệu chống Đảng, chống Nhà nước nhằm phá hoại sự ổn định chính trị xã hội của đất nước.
Đơn cử như, năm 2023, vào đợt cao điểm nắng nóng với các điều kiện thời tiết dị biệt chưa có tiền lệ, công tác điều hành nhằm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân là một công việc khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực từng giây, từng phút của cả hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan. Vấn đề này đã là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội vào thời điểm ấy. Tuy vậy, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, thiếu xây dựng rằng các cơ quan có liên quan không nỗ lực điều hành để xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Những kiểu thông tin như vậy là sự xuyên tạc, hòng gây dư luận xấu, tạo bất ổn trong xã hội. Rồi cùng với những luận điệu xuyên tạc khác để mưu đồ hướng tới sự lật đổ và thay thế quyền lực. Chúng muốn phá vỡ thành quả cách mạng của đất nước, của dân tộc nhằm dựng lên cái gọi là "thể chế dân chủ”. Thậm chí chúng đã phân công rõ ràng, nếu lật đổ thành công thì tên nước là gì, ai làm tổng thống, thủ tướng và các vị trí trong chính phủ, cũng như kế hoạch này kia nhằm chia chác lợi ích đều đã nằm trên giấy.
Nhưng uy tín của Đảng trong lòng dân tộc là tuyệt đối; 94 năm lãnh đạo và cầm quyền là một con số biết nói. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giữ vững chủ quyền và đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện, từ an ninh, quốc phòng, kinh tế xã hội, đối ngoại, phát triển khoa học - kỹ thuật, cho đến một nền công nghiệp và thương mại phát triển…, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Tuy vậy, nguy cơ từ sự chống phá của các thế lực bên trong và bên ngoài vẫn luôn hiện hữu. Đôi khi, sống trong bình yên, đầy đủ vật chất rất dễ làm cho mỗi cá nhân tự ru ngủ trên chiến thắng, mà quên đi trách nhiệm “rào” của mình trước tập thể và tổ chức. Trong bối cảnh hiện nay, “rào” đồng nghĩa với “vừa xây, vừa chống”. “Chống” là công việc cấp bách. “Xây” là công việc lâu dài, bền bỉ. Sự tồn vong của Đảng phụ thuộc vào chữ “rào” này của mỗi người, trong đó có các đảng viên với vai trò đi đầu, nêu gương.
Câu hỏi đặt ra là trước nguy cơ như vậy, cần “rào” như thế nào?
Trước hết, cần khẳng định rằng bảo vệ Đảng chính là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và hệ thống chính trị, là trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi đảng viên cần nắm và nhận diện rõ các đối tượng chống phá Đảng bao gồm các tổ chức và cá nhân đối lập về hệ tư tưởng, mang trong mình tư tưởng tư sản. Đó còn là các đối tượng chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, âm mưu lật đổ chế độ chính trị, cổ súy cho đa đảng. Họ còn là những đảng viên tự diễn biến, nhạt lý tưởng, mang tư tưởng “gió chiều nào, che chiều ấy”; còn là những công dân thiếu rèn luyện, bị các đối tượng kích động, lợi dụng thực hiện các hành động và tội ác chống phá Đảng, Nhà nước. Chỉ khi nhận diện được đầy đủ các đối tượng, có sự chuẩn bị, mỗi đảng viên mới có thể góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và hệ thống chính trị.
Để làm điều đó, đảng viên cần nghiêm túc quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Chúng ta cần nhận thức đẩy đủ, sâu sắc về giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tư tưởng của mỗi đảng viên và của đời sống xã hội. Đảng viên cần tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiến thức, lý luận, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc nhằm giảm uy tín của Đảng.
Bên cạnh đó, đội ngũ đảng viên cần đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động quần chúng, trước hết là người thân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi cá nhân phải tự học tập, nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa, lý luận của bản thân để không bị những luận điệu xuyên tạc làm cho hoang mang, bị dẫn dụ, dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị,
Đồng thời, đảng viên cần tích cực hưởng ứng các phong trào của Đảng, Chính quyền, đoàn thể trong việc tuyên truyền, củng cố nhận thức đúng về Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có tham gia tích cực các cuộc thi, phòng trào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tổ chức hàng năm. Đây là cơ hội để mỗi đảng viên tự nhìn nhận lại phương pháp lý luận, cũng như các vấn đề thực tiễn của Đảng, của đất nước, những nguy cơ có thể xảy ra để từ đó cảnh giác, miễn nhiễm trước các luận điệu xuyên tạc, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu và âm mưu chống phá của các đối tượng như đã xác định ở trên.
Đối với tổ chức đảng các cấp, cần xem xét tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Không ngừng hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, kiểm soát tốt mạng xã hội, tránh để các luận điệu xuyên tạc gây thành dư luận xấu trong nhân dân.
Hơn nữa, các tổ chức đảng cần đẩy mạnh thông tin chính thống, phát triển các kênh thông tin đa dạng nhằm tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ về các sự kiện, diễn biến chính trị xã hội trên cả nước. Điều đó, đồng nghĩa với việc cần phát triển hệ thống tuyên giáo của Đảng thật vững mạnh với đội ngũ chuyên trách được đào tạo bài bản, tránh tình trạng đội ngũ thiếu và yếu. Bên cạnh đó, các tổ chức đảng cũng xem xét nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tránh để công tác này trở thành giáo điều, hình thức. Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở tất cả các cấp.
Lịch sử và thực tiễn đã chỉ ra rằng dù có muôn phương ngàn kế với những thủ đoạn tinh vi, nham hiểm nhưng các thế lực chống phá Đảng không thể nào lay chuyển được ý chí của những đảng viên chân chính vì lý tưởng của Đảng đã ăn sâu, bám rễ như cây cổ thụ trường tồn vững chắc trong huyết quản của đội ngũ đảng viên được tôi rèn qua những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước chủ nghĩa xã hội.
Và cùng vì vậy, đảng viên chỉ có một con đường là trung thành với lý tưởng, giữ vững bản lĩnh chính trị, cố gắng học tập rèn luyện tư tưởng đạo đức lối sống, tích cực hưởng ứng và tham gia chống tiêu cực, tham nhũng; đồng thời, luôn cảnh giác trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, xây dựng Đảng ta càng trong sạch vững mạnh hơn, đoàn kết toàn dân vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Chỉ làm được như vậy mới có thể bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc chế độ, đưa đất nước và dân tộc vững bước trong kỷ nguyên của độc lập, tự do, phồn vinh và hạnh phúc. Bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ cũng là bảo vệ chính mình và những người thân yêu nhất.