Các chương trình khuyến công thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn |
Ông Hoàng Xuân Phong - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa - cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, TTCN trên địa bàn tỉnh, những năm vừa qua, Sở Công Thương và trung tâm đã nỗ lực thực hiện các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức hội chợ nhằm trưng bày hoặc đưa các sản phẩm công nghiệp, TTCN đến các hội chợ trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng...
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế, do địa bàn rộng, cơ sở công nghiệp nông thôn phân tán, nguồn nhân lực thiếu, khiến tỉnh Thanh Hóa gặp không ít trở ngại trong quá trình triển khai công tác khuyến công... Khó khăn trước hết từ nhân lực, hiện ngoài lực lượng cán bộ, nhân viên của trung tâm, trên địa bàn tỉnh chưa có khuyến công viên cấp huyện, xã và cộng tác viên khuyến công. Vì vậy, công tác khuyến công tại các huyện, xã vẫn trông chờ vào đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm tại Phòng Kinh tế hạ tầng của các huyện. Chưa kể, các cơ sở công nghiệp nông thôn tuy nhiều về số lượng, nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, lẻ, phân tán, năng lực tiếp cận thông tin thị trường, nguồn vốn hạn chế nên đa phần sản phẩm được sản xuất và xuất bán dưới dạng thô, giá trị kinh tế không cao.
Ngoài ra, một số quy định trong chính sách khuyến công chưa phù hợp cũng gây không ít trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện các đề án phát triển khuyến công. Ví dụ như, đối với nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị vào sản xuất, theo quy định, trong quá trình lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch cho năm sau, phải đánh giá cụ thể những đặc điểm vượt trội của thiết bị cần hỗ trợ. Tuy nhiên, tại thời điểm thẩm định, cơ sở mới xây dựng kế hoạch chưa mua được máy móc, vì vậy, chỉ đánh giá về mặt lý thuyết dựa trên dự án đầu tư hoặc ca-ta-lô do đơn vị trình, nên tính chính xác không cao…
Để tháo gỡ những vướng mắc này, thời gian qua, trung tâm đã linh hoạt sử dụng 3 - 4% chi phí quản lý của các đề án để hỗ trợ kinh phí cho cán bộ kiêm nhiệm. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, nhất là trong lĩnh vực sản xuất bảo đảm môi trường đối với các cơ sở sản xuất. Cùng với đó, trung tâm đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, marketing cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các cơ sở công nghiệp nông thôn, nhằm hỗ trợ điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Kéo dài thời gian triển khai các đề án điểm trong thời gian từ 3 - 5 năm, giúp nhiều cơ sở có điều kiện cùng thực hiện và hưởng lợi, khai thác sâu thế mạnh của địa phương. Để phát huy tối đa hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện và quản lý các đề án khuyến công, trung tâm đã kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ trong và ngoài nước...
Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương có nhiều làng nghề TTCN truyền thống nổi tiếng như nghề chiếu cói ở huyện Nga Sơn, đúc đồng ở huyện Thiệu Hóa, hay nghề thêu, dệt thổ cẩm ở một số địa bàn miền núi… Trung tâm đã triển khai hiệu quả chính sách khuyến công của trung ương, địa phương, hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất, nghệ nhân để duy trì, phát triển nghề, làng nghề. Rất nhiều các dự án làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống được xây dựng triển khai ở Thanh Hóa như: Quảng Xương, Nga Sơn, TP. Thanh Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa... được mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công ty, các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động trong vùng và vùng phụ cận.
Cùng với phát triển, mở rộng cơ sở sản xuất TTCN, từ sự hỗ trợ của các chương trình, chính sách, đề án khuyến công… Thời gian qua, Thanh Hóa có sự phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nhiều sản phẩm tiêu biểu và nghệ nhân được công nhận, vinh danh. |