Truyền thông Trung Quốc vừa công bố công nghệ tên lửa siêu thanh của nước này sẽ trải qua một sự nâng cấp lớn, đưa họ lên một tầm cao mới và vượt xa các quốc gia khác, với khả năng tấn công mục tiêu trên toàn cầu.
Tầm bắn xa, tốc độ siêu thanh, quỹ đạo khó lường
Công nghệ mới được cho là sẽ vượt qua quỹ đạo "Qian Xuesen", một thuật ngữ ám chỉ loại đạn đạo kết hợp giữa tên lửa đạn đạo và tên lửa bay do nhà khoa học nổi tiếng Tiền Học Sâm đề xuất vào thập niên 1940. Loại quỹ đạo này có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ và mang lại sự linh hoạt vượt trội.
Quỹ đạo bay của loại tên lửa siêu thanh mới. Ảnh: QQ |
Nếu công nghệ này được triển khai thành công, khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh sẽ càng nới rộng. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), xuất bản tại Hong Kong, vào tháng 6 năm nay, một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khí động học Trung Quốc đã công bố một bài báo trên tạp chí Du hành vũ trụ Trung Quốc, giới thiệu một loại vũ khí siêu thanh mới của Trung Quốc - một vật thể lướt siêu thanh tiên tiến.
Không giống như các vật thể lướt siêu thanh truyền thống chỉ lướt với tốc độ cao, vật thể mới này sử dụng một quỹ đạo đặc biệt, giống như việc trượt trên mặt nước. Nhờ động cơ sử dụng nhiên liệu rắn có thể kích hoạt nhiều lần, nó có thể liên tục đi vào và rời khỏi bầu khí quyển với tốc độ trên Mach 15.
Đây là một đột phá quan trọng, vì không có loại vũ khí siêu thanh nào hiện tại có thể ra vào bầu khí quyển liên tục với tốc độ này. Khi thoát ra khỏi bầu khí quyển, vũ khí sẽ tấn công mục tiêu với quỹ đạo khó lường. Công nghệ này có thể tăng thêm một phần ba phạm vi sát thương của tên lửa, đem lại lợi thế lớn trong các ứng dụng quân sự, như khả năng cơ động và tầm bắn xa hơn.
Nếu công nghệ này được hoàn thiện, các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển hệ thống phòng thủ để phát hiện và đánh chặn loại vũ khí này trong tương lai. SCMP nhận định rằng, công nghệ tên lửa siêu thanh này có thể vượt xa tưởng tượng của Tiền Học Sâm. Thế hệ tên lửa Dongfeng-17 (DF-17) của Trung Quốc đã được phát triển dựa trên khái niệm "tăng tốc cộng lướt" mà ông đề xuất.
Trung Quốc đang dẫn trước Mỹ
Nhà khoa học người Áo Eugen Sanger, từng làm việc cho Đức trong Thế chiến II, đã đưa ra một thiết kế đạn đạo tiến bộ vào năm 1941. "Silver Bird" của ông, với động cơ tăng áp, có thể bay trên tầng khí quyển. Với "quỹ đạo Sanger" này, phạm vi và khả năng cơ động của vũ khí siêu thanh sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa vượt ra khỏi lý thuyết để đưa vào thử nghiệm, áp dụng vào thực tế.
Tên lửa DF-17 của Trung Quốc có khả năng tấn công với quỹ đạo phức tạp, giúp họ đứng đầu trong lĩnh vực này. Ảnh: QQ |
Trung Quốc hiện đã dẫn trước Mỹ trong công nghệ vũ khí siêu thanh. Tên lửa DF-17 của Trung Quốc có khả năng tấn công với quỹ đạo phức tạp, giúp họ đứng đầu trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang gặp nhiều khó khăn với dự án Dark Eagle, tên lửa siêu thanh thuộc Chương trình Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW). Công nghệ của Dark Eagle, so với DF-17 và các tên lửa của Nga vẫn còn lạc hậu và sản xuất quy mô lớn cũng gặp nhiều trở ngại.
Dù vậy, bài viết trên SCMP nhấn mạnh rằng, công nghệ tên lửa siêu thanh mới của Trung Quốc vẫn chủ yếu trên lý thuyết. Nhiều vấn đề kỹ thuật vẫn cần được giải quyết trước khi có thể đưa vào thực tế. Tuy nhiên, với tiến độ nghiên cứu và phát triển vũ khí của Trung Quốc trong quá khứ, khả năng cao là công nghệ này sẽ được thực hiện và có thể ứng dụng trong tương lai.