Sức “nóng” về giá khiến thị trường sầu riêng “hỗn loạn” Quy hoạch vùng trồng: Cần lấy “cầu” làm gốc Đơn hàng dồn dập, xuất khẩu sầu riêng hướng tới mục tiêu 3,5 tỷ USD |
Giá tăng vọt
Những ngày giáp Tết, giá sầu riêng tại vườn đang được các thương lái đang thu mua ở mức riêng tại vườn giá từ 100.000 - 130.000 đồng/kg tùy loại. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm 2024 và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Tuyên (ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - thương lái thu mua sầu riêng tại các tỉnh miền Tây cho biết, những ngày qua, các vựa và công ty liên tục thay đổi giá thu mua từ các thương lái. Theo giá mới cập nhật trong ngày, hiện sầu riêng Thái được họ thu mua giá 184.000 đồng/kg loại A (từ 2kg - 5,2kg).
Các loại còn lại cũng có mức giá khá cao và thu mua rất dễ. Do đó, thương lái mua tại nhà vườn cũng tăng giá theo. Thường giá thu mua tại vườn sẽ thấp hơn giá tại vựa, công ty khoảng 10.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Mai, một thương lái thu mua sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, xác nhận sầu riêng Thái (Monthong) loại 1 thu mua tại vườn hiện có giá từ 180.000 - 183.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 1/2024; sầu riêng RI6 có giá khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, tăng 25.000 - 40.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay và đạt mức kỷ lục được ghi nhận của cùng kỳ năm ngoái.
Giá sầu riêng tăng vọt vào gần tết |
Lý giải về mức giá tăng cao, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện nay giá sầu riêng nghịch vụ tại các tỉnh miền Tây đang tăng cao do nhu cầu tiêu thụ hút hàng tại Trung Quốc. Đây là tín hiệu rất vui dự báo cho một năm tiếp tục phá kỷ lục kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, cùng kỳ năm 2023, ngành rau quả mới bắt nhịp trở lại sau giai đoạn thị trường Trung Quốc đóng cửa biên giới để chống dịch Covid-19, còn ở thời điểm hiện nay hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp đã thuận lợi hơn. “Thời điểm cận tết, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng cao vì đây là mùa lễ hội lớn nhất trong năm, người dân nước này xem sầu riêng là món quà quý để biếu tặng, cúng kiếng, dâng lễ… Trong khi đó, hiện nay chỉ có duy nhất sầu riêng miền Tây thu hoạch, sản lượng hạn chế nên giá tăng cao”, ông Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh đó, nguồn hàng nhập khẩu từ châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi chiến sự ở tuyến hàng hải biển Đỏ nên không kịp cập cảng đúng thời hạn để tiêu thụ dịp tết, từ đó thị trường Trung Quốc phải tăng nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Triển vọng xuất khẩu lớn
Đều đặn đóng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Chánh Thu, cho biết, hiện 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên, xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của sầu riêng Việt Nam mới chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan và Malaysia. Do đó, ngành sầu riêng của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và thị phần có thể ở mức 40% tại đây trong vòng 5 năm tới.
Theo bà Vy, nhiều người Trung Quốc chưa được ăn sầu riêng, nhiều tỉnh ở Trung Quốc chưa có sầu riêng, đó là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Thực tế các đối tác của Chánh Thu cũng yêu cầu rất nhiều nhưng công ty hiện mới chỉ cung cấp được khoảng 1/10.
“Trung Quốc là thị trường mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trái cây, nếu tạo dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng”, bà Vy nhấn mạnh.
Không chỉ riêng Chánh Thu, nhiều công ty xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cũng báo tin doanh thu tăng mạnh trong năm vừa qua và dự kiến mở rộng quy mô xuất khẩu trong năm nay.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, sau khi sầu riêng tươi của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, Cục đang tiếp tục đàm phán cho sản phẩm sầu riêng cấp đông vào thị trường này.
Các thủ tục hiện nay gần như đã hoàn thành, chỉ chờ ký kết nghị định thư là sản phẩm sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Một container sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu quả tươi”, ông Dương nói. Đồng thời, theo ông Dương, mở cửa được cho sản phẩm cấp đông, chúng ta sẽ giải quyết được áp lực vấn đề mùa vụ, hàng mẫu mã xấu có thể tách cơm cấp đông, từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, năm 2024, sản lượng sầu riêng tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD. |