Trung Quốc tiếp tục ‘hút hàng’, thanh long được giá sau Tết Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc: Đảm bảo “sạch” mầm bệnh |
Thanh long, một trong những cây trồng thế mạnh của Việt Nam. Với sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn, thanh long không chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu, giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD mỗi năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của thanh long Việt, chiếm đến 80 - 90% tổng giá trị xuất khẩu.
Trung Quốc vươn lên đứng đầu về sản lượng |
Tuy nhiên, Trung Quốc đang mở rộng diện tích trồng thanh long. Chỉ trong vài năm trở lại đây, diện tích tại Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần, thậm chí, sản lượng thanh long Trung Quốc vượt Việt Nam.
Thanh long Việt có bị tác động là câu hỏi được đặt ra lúc này. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An - cho hay, việc Trung Quôc vươn lên đứng đầu về sản lượng, thanh long Việt Nam cũng lo ngại về cạnh tranh bởi hiện nay Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu của Việt Nam. Sản lượng thanh long tăng lên đồng nghĩa với giá thanh long sẽ giảm xuống.
"Hiện, chúng tôi chỉ khuyến cáo bà con trồng thanh long hướng đến trồng theo công nghệ cao, trồng sạch để hướng xuất khẩu đến các thị trường khó tính, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc", ông Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Trịnh cho rằng, thanh long Việt vẫn có sức cạnh tranh nhất định tại thị trường này. Bởi các yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu nên chất lượng thanh long của Việt Nam ngon hơn, trái đẹp hơn. Bên cạnh đó, thanh long của Việt Nam có quanh năm. Trong khi đó, mùa nghịch (từ tháng 1 đến tháng 5), tại Trung Quốc thanh long không ra trái.
“Mùa nghịch, thời tiết bên Trung Quốc rất lạnh, họ có chong đèn cũng không ra trái. Thanh long Trung Quốc cũng không vuốt tai được, nên trái thanh long của họ cũng không đẹp”, ông Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ, đồng thời khuyến nghị: "Các nhà vườn tại Việt Nam nên hạn chế cho ra trái vào mùa thuận (từ tháng 5 đến tháng 12) để nuôi cây, tăng trái vào mùa nghịch, thời điểm này, Trung Quốc không có thanh long. Khi đó, đầu ra và giá bán của bà con sẽ thuận lợi".
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam – cho hay, người Trung Quốc thích những trái cây có vỏ màu đỏ nên thường chọn mua thanh long về thờ cúng. Thanh long của Việt Nam được ưa chuộng hơn vì mẫu mã đẹp hơn. Sản lượng thanh long Trung Quốc sản xuất chưa đủ cung ứng cho thị trường nội địa, vẫn phải nhập lượng lớn.
Dù diện tích và sản lượng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam, song năm 2022 do hạn hán nên sản lượng loại trái cây này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng. Do đó, trước mắt xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc sẽ ít bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên cũng cảnh báo, về lâu dài, trái thanh long Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức do Trung Quốc dần “tự cung tự cấp”. Bởi vậy, để cạnh tranh, giữ thị phần tại thị trường 1,4 tỷ dân này, các nhà vườn phải nâng cao chất lượng trái thanh long cũng như làm thương hiệu cho sản phẩm này.
Bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, câu hỏi đặt ra là đẩy mạnh khâu chế biến để giảm bớt áp lực cho trái thanh long được hay không?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ, hiện các nhà máy chủ yếu mới lấy loại hàng loại 3, loại 4 chứ chưa dám lấy loại 1 và loại 2 để chế biến. Bởi giá thành loại này rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi chất lượng thanh long trong ruột là giống nhau, việc phân loại này chủ yếu là vỏ ngoài khác nhau. Doanh nghiệp chế biến họ chỉ cần chất lượng ruột bên trong chứ không quan tâm đến vỏ ngoài ra sao.
Hiện, tại khu vực Bình Thuận và Long An đang có 2 nhà máy chế biến lớn thu mua thanh long. Trái thanh long đẹp họ lựa ra cấp đông để bán cho các nước dùng làm salát. Sản phẩm vừa sẽ được họ đưa vào để sấy, sản phẩm kém nhất thì họ ép nước. Hạt thanh long cũng được họ thu hoạch để ép dầu. Những sản phẩm như vỏ, cơm thanh long sẽ được họ đưa ra làm phân bón.
Khẳng định đẩy mạnh khâu chế biến sẽ giúp giảm áp lực mà vụ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Trịnh cho hay, nếu trồng chuẩn chỉ để chế biến thì người dân lời ít. Chỉ khi xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc hay các nước khó tính thì họ mới thu lợi nhuận nhiều. Bởi trái cây chế biến được thu mua với mức giá thấp, người trồng không đủ chi phí. Người nông dân vẫn là người chịu thiệt, cần có chính sách để bảo vệ người nông dân.
Hiện giá thanh long trung bình khoảng 20.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão. Tại Việt Nam, thanh long thường có 4 mùa gồm 2 mùa thuận và 2 mùa nghịch. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thanh long chỉ đạt 632,6 triệu USD, giảm 38,7% so với năm 2021 và giảm 49,3% so với mức đỉnh năm 2019.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định, muốn bền vững thì cần đi bằng nhiều con đường khác nhau. Thay vì đơn giá trị phải chuyển qua đa giá trị. Thay vì xuất quả tươi thì đưa bớt một phần vào chế biến, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Quan trọng hơn, không chỉ thanh long mà với mỗi một loại trái cây cần phải có một chiến lược phát triển từ vùng trồng cho đến chế biến, tiêu thụ, kế sách thâm nhập vào từng thị trường.
Vài năm qua, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng gấp 10 lần, trong đó năm 2021 lần đầu đạt mức 1 triệu mẫu (gần 67.000ha). Sản lượng thanh long Trung Quốc ước đạt 1,6 triệu tấn (theo sohu.com). Với con số này, hiện sản lượng thanh long của Trung Quốc cao hơn so với Việt Nam (chỉ đạt 1,4 triệu tấn). Thanh long Trung Quốc hiện được trồng chủ yếu ở Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Vân Nam, Hải Nam. Trong đó hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông có diện tích trồng lớn nhất, khoảng 70% của toàn Trung Quốc. Trong năm 2021, người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn thanh long. Trung Quốc dự tính con số này sẽ còn tăng trong các năm tới. |