Khai mạc Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2021 Khai mạc Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngành gốm sứ, sản phẩm OCOP |
Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm của Việt Nam tăng cao
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính, kim ngạch xuất khẩu mây, tre, cói, thảm của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 70 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng 10/2021; tăng 23,3% so với tháng 11/2020. Tính chung trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu mây, tre, cói, thảm của Việt Nam đạt 771 triệu USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ vừa qua, sản phẩm mây, tre, cói, thảm được xuất khẩu sang 59 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 15,15 triệu USD, tăng 25,5% so với kỳ trước; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2,82 triệu USD, tăng 13,0%; xuất khẩu sang Pháp đạt 2,46 triệu USD, tăng 115,9%; xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 2,34 triệu USD, tăng 81,6%...
Sản phẩm của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh- làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) trưng bày tại Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngành mây tre đan - sừng mỹ nghệ và các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021 |
Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội nổi tiếng với sản phẩm lược sừng Thụy Ứng. Đến thời điểm này các sản phẩm như: Vòng tay, đĩa khay, trâm cài tóc, vật dụng thìa dĩa, khung tranh, các tác phẩm mỹ nghệ, nghệ thuật... được chế tác từ sừng Trâu của làng hiện được bán trên toàn quốc, nhất là trong các siêu thị, cửa hàng mỹ nghệ lưu niệm tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các khu du lịch. Ðặc biệt, các mặt hàng này hiện đang có thế mạnh trong xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam. Dịch Covid-19, đầu ra cho sản phẩm cũng chịu nhiều tác động, nhất là các sản phẩm bán cho khách du lịch. Bà Lê Thị Thuận – Phó chủ tịch Hội làng nghề truyền thống lược sừng Thụy Ứng – cũng kiến nghị cơ quan chức năng của Hà Nội đẩy mạnh công tác hỗ trợ thiết kế sản phẩm cũng như quảng bá sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm
Theo các chuyên gia, tuy nhu cầu thị trường với các sản phẩm mây tre đan là rất lớn nhưng doanh nghiệp rất khó để nâng giá bán sản phẩm. Bởi Trung Quốc có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu để thống lĩnh thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, nhất là người dân các làng nghề truyền thống. Mặt khác, do lợi nhuận trên doanh thu của nghề mây tre đan rất thấp, không thể sánh với các dây chuyền sản xuất công nghiệp như các ngành khác. Do đó, rất cần Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh; giảm thuế thu nhập để kích thích nhiều nhà đầu tư.
Mặt khác, dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ bị gián đoạn, đứt gãy, tác động lớn đến việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhiều đơn hàng được đề nghị lùi thời hạn giao hàng và bị hủy, nhiều mặt hàng đã làm xong nhưng không xuất khẩu được. Do đó, việc tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm là hết thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vực lại sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Ban tổ chức thông tin về Triển lãm |
Hà Nội hiện có 365 làng nghề và làng có nghề mây tre đan, với gần 33.000 hộ gia đình, gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã làm nghề, thu hút hơn 100.000 lao động, với mức thu nhập bình quân trên dưới 40 triệu đồng/năm.
Nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất, làng nghề của Hà Nội trong công tác xúc tiến, quảng bá, từ 21/12 đến 31/12/2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tổ chức Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngành mây tre đan - sừng mỹ nghệ và các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021 được diễn ra tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô (số 176 Quang Trung, quận Hà Đông).
Với sự tham gia của 16 nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ thành phố Hà Nội trưng bày, giới thiệu trên 110 tác phẩm phẩm mây tre đan - sừng mỹ nghệ tiêu biểu. Đây là sự kiện thứ 3 trong chuỗi các hoạt động triển lãm chuyên đề tại “Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô” năm 2021 được Thành phố Hà Nội tổ chức.
Triển lãm không chỉ trưng bày giới thiệu các tác phẩm/sản phẩm mây tre đan- sừng mỹ nghệ đương đại, sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu khác của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế, cơ sở sản xuất thành phố Hà Nội mà đến đây, khách thăm quan sẽ được trải nghiệm quy trình sản xuất nghề mây tre đan –sừng mỹ nghệ, lịch sử nghề mây tre đan – sừng mỹ nghệ; tham gia các hoạt động quảng bá kết nối giao thương các sản phẩm mây tre đan – sừng mỹ nghệ và các sản phẩm tiêu biểu khác.
Ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội – cho biết, Triển lãm là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và ngành mây tre đan - sừng mỹ nghệ nói riêng có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị thẩm mỹ cao được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân, cá nhân sẽ có cơ hội học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm khi kết nối với cộng đồng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu. Đồng thời đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế, đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Đây cũng sẽ là nơi kết nối, quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP trong nước và quốc tế; bảo tồn, giữ gìn giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế.
Ngành nghề mây tre đan đang có lợi thế rất lớn để phát triển. Ngoài các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã hoạt động chuyên nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cần hình thành các trung tâm thiết kế mỹ thuật mây tre đan để liên tục đổi mới mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng quốc tế.
Cơ hội phát triển thị trường mới cho nhóm hàng mây tre đan của Việt Nam thời gian tới rất khả quan. Một số thị trường mới nổi như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Australia… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Chỉ cần được thị phần từ 8 đến 10% của thị trường thế giới, thì ngành chế biến mây tre Việt Nam có thể đạt giá trị tới 1 tỷ USD trong tương lai. |
Ghi nhận một số hình ảnh tại Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngành mây tre đan - sừng mỹ nghệ và các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021
Khách hàng tham quan Triển lãm |
Sản phẩm trưng bày tại Triển lãm |