Năm nay, triển lãm NEPCON được tổ chức với mục tiêu thắt chặt quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào thị trường cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Toạ đàm trực tuyến tư vấn kinh doanh diễn ra trong khuôn khổ triển lãm |
Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,2% trong năm sau bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 và tăng lên 7,0% trong năm 2022. Mức tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và nhu cầu giao thương của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cần có những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Ông Vũ Trọng Tài - Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam, đại diện Ban tổ chức triển lãm NEPCON Việt Nam 2021 - chia sẻ: “Triển lãm NEPCON năm nay được thực hiện trên nền tảng trực tuyến, sử dụng công nghệ đa phương tiện giúp các nhà triển lãm và khách tham quan trải nghiệm kết nối dễ dàng, mọi lúc, bằng nhiều thiết bị thông minh. Bên cạnh các hoạt động thường niên, NEPCON Việt Nam 2021 sẽ mang đến các chương trình đặc sắc như Diễn đàn công nghiệp điện tử Việt Nam, tọa đàm tư vấn kinh doanh, hội thảo công nghệ chuyên ngành, cập nhật thông tin cuộc thi tay hàn điện tử IPC,… Năm nay, triển lãm thu hút lượng đăng ký tham gia của gần 100 thương hiệu, các nhà cung cấp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam, và dự kiến sẽ tiếp cận, chào đón khoảng 2.500 - 3.500 lượt khách từ Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á.”
Trước tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm là khi kỷ nguyên số hóa đã và đang thâm nhập thị trường, làm thế nào để doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp điện tử Việt Nam 2021, sự kiện trực tuyến nằm trong khuôn khổ triển lãm điện tử quốc tế NEPCON Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Uỷ viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - nhận định: “Với kết quả sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu đầy hứa hẹn của ngành điện tử 9 tháng năm 2021, ngành điện tử tiếp tục đóng vai trò tiên phong dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo với giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2021 đạt 77,57 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 32,24% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó xuất siêu đạt 8,99 tỷ USD, góp phần đáng kể vào vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và việc cân đối ngoại tệ cho quốc gia năm 2021.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã kéo dài sang đến năm thứ 2, song với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp cùng quyết tâm cao của các doanh nghiệp trong cộng đồng các doanh nghiệp điện tử Việt Nam, chúng ta đã đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời tiếp tục gia tăng thêm đơn hàng, gia tăng thêm đầu từ FDI ở những lĩnh vực công nghệ cao, đóng vai trò then chốt của ngành điện tử như: công nghệ bán dẫn, công nghệ màn hình OLED, công nghệ lắp ráp, công nghệ tự động hóa các dây chuyền sản xuất, v.v. Do đó, Triển lãm NEPCON hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp, đối tác của ngành công nghiệp điện tử có thể tìm gặp, giao thương, kết nối với các nhà sản xuất, cung ứng trong lĩnh vực lắp ráp SMT, công nghệ thử nghiệm, thiết bị và công nghiệp hỗ trợ.”
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ nhóm các doanh nghiệp địa phương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước bối cảnh môi trường kinh doanh phức tạp với nhiều khó khăn và không ngừng biến đổi, NEPCON Việt Nam 2021 còn có sự đồng hành và tham gia của dự án USAID LinkSME từ Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhanh chóng phát triển tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Dự án USAID LinkSME mang sứ mệnh tạo điều kiện kết nối - giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp quốc tế, giữa các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các công ty trong ngành cũng như giữa các tổ chức kinh doanh và các cơ quan chính phủ đang hoạt động với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. Những kết nối kinh doanh này càng trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn đầy thử thách như hiện nay. Nhưng những thách thức sẽ luôn truyền cảm hứng cho sự đổi mới đột phá, điều này thể hiện qua các phương pháp tổ chức triển lãm độc đáo mới mẻ mang tính tiên phong do Công ty Reed Tradex và các đối tác mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp điện tử”, ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc dự án USAID LinkSME - cho biết.
Với sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng hơn 100 thương hiệu công nghệ & máy móc, thiết bị điện tử tại các khu gian hàng quốc tế trực tuyến đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Đức, Nga, Ấn Độ,… Triển lãm điện tử quốc tế NEPCON Việt Nam lần thứ 13 - triển lãm duy nhất tại Việt Nam dành cho SMT, công nghệ thử nghiệm, thiết bị và công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử sẽ được diễn ra trực tuyến thông qua website NEPCON.
Xuyên suốt ba ngày 17-19/11/2021, triển lãm trực tuyến NEPCON Việt Nam sẽ mang đến các hoạt động giao thương thiết thực như chuỗi hội thảo tư vấn chuyên đề, các bản tin cập nhật công nghệ tiên tiến nổi bật từ các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và đặc biệt là chương trình hỗ trợ tư vấn hoàn toàn miễn phí: Toạ đàm sáng kiến doanh nghiệp 2021. Chương trình trực thuộc dự án cộng đồng sáng kiến doanh nghiệp do Công ty Reed Tradex khởi xướng từ năm 2020 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vực dậy trong và sau đại dịch Covid-19. Triển lãm đã thu hút hơn 2.000 khách tham quan từ Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á đăng ký tham gia.