Sản xuất và tiêu dùng bền vững: Cần những giải pháp đột phá Bảo vệ môi trường ngành Công Thương thông qua sản xuất và tiêu dùng bền vững |
Sau 2 năm triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, thói quen sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân đã từng bước thay đổi theo hướng xanh hơn, thân thiện môi trường hơn.
Hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam đã từng bước loại bỏ túi nilon sử dụng 1 lần khó phân hủy sang sử dụng bao bì thân thiện môi trường. Ảnh: Cấn Dũng |
Chuyển từ nhận thức sang hành động
Là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức và thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững theo Quyết định 889, hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã có những hoạt động tích cực nhằm triển khai thực hiện chương trình.
Ông Cù Huy Quang - Phó Chánh văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, nhiều hoạt động đã được Bộ triển khai như: Đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; xây dựng được những mô hình thu gom, tái chế, những mô hình về tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, những nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, một số ngành.
“Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng được những bộ tài liệu từ cơ bản cho đến nâng cao để nhằm nâng cao đội ngũ chuyên gia cũng như các đội ngũ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững cùng với những sổ tay hướng dẫn về thiết kế bền vững cho sản phẩm”- ông Quang cho biết thêm.
Ngoài ra, thông qua chương trình, những vấn đề như tái chế, tái sử dụng cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng đã được triển khai. Thông qua các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng, dùng những túi nilon sử dụng một lần sang sử dụng những đồ vật có thể tái chế được như túi cói hay làm bằng những vật liệu khác.
Nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn
Cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước chuyển đổi nền sản xuất và tiêu dùng theo hướng kinh tế tuần hoàn và điều này đã được cụ thể hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo ông Quang, khi chuyển đổi sang sản xuất bền vững doanh nghiệp Việt Nam có những lợi thế nhất định: Cơ hội để thay đổi phương thức sản xuất, đổi mới công nghệ, qua đó tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường, từ đó có thể chiếm lĩnh được thị trường, niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp phải lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất, hay nói cách khác phải lựa chọn được công nghệ phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp.
Vốn là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn đầu tư thấp. Các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp. Bên cạnh đó, những chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi sang nền sản xuất xanh còn hạn chế.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững sẽ tham mưu, xây dựng những tiêu chuẩn về mô hình kinh tế tuần hoàn, về những định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; triển khai các mô hình về tái chế, tái thu hồi, tái sử dụng trong các ngành công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất, tiêu dùng bền vững. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, để nâng cao được tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch và sản phẩm thân thiện với môi trường.