Phong trào chơi hoa lan, đặc biệt là những giống lan hiếm, lan đột biến gen thời gian gần đây khá phổ biến, thậm chí nhiều người còn cầm cố nhà, bán đất, đi vay tín dụng đen để đầu tư mạnh tay vào loại lan này.
Những giao dịch, mua bán hoa lan “đột biến gen” được livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội Ảnh: Internet |
Giàu lên, đổi đời nhờ lan đột biến thì không thể kiểm chứng, nhưng khá nhiều người lao vào kinh doanh mặt hàng này đã mất tiền tỷ, thậm chí sạt nghiệp. Theo một chuyên gia về sinh vật cảnh, lan đột biến có số lượng rất ít, giá lên đến trăm triệu, tiền tỷ là có nhưng đến hàng chục tỷ thì cần xem lại. Bởi có thể đây là hành động nâng giá ảo, nhằm mục đích tạo “sóng” và làm tăng giá trị lan đột biến một cách bất hợp lý.
Thực tế, thời gian gần đây, công an nhiều tỉnh đã liên tiếp lên tiếng cảnh báo người dân về dấu hiệu lừa đảo từ những cuộc mua bán hoa lan này. Công an tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua một số huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh đã diễn ra những giao dịch, mua bán hoa lan “đột biến gen” với giá trị từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết cuộc mua bán, trao đổi đều diễn ra công khai và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
“Tuy nhiên, những thông tin về các cuộc giao dịch này thường rất mập mờ, thông tin về người bán và người mua không được kiểm chứng; giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý, là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng “thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để dụ người mới chơi lan tham gia”- công an tỉnh Bình Phước cảnh báo.
Thậm chí các nhóm đối tượng còn chuẩn bị, lên kế hoạch rõ ràng và có hệ thống. Theo công an tỉnh Bình Phước, các đối tượng trong một nhóm thổi phồng giá trị của loại cây này, khi người mua tìm đến họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn. Quá trình mua đi bán lại nhiều lần, đến khi giá đạt điểm, người nào không biết hoặc hám lợi chạy theo mua thì nhóm này rút, không mua lại nữa, hậu quả là người mua cuối cùng đã bỏ ra số tiền lớn để mua nhưng không bán được cho ai. Trường hợp khác, việc giao dịch, mua, bán, trao đổi chỉ là hình thức, diễn ra giữa các đối tượng trong cùng một nhóm, đến khi bán được cho người ngoài nhóm thì các đối tượng này ăn chia, hưởng lợi.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên địa bàn. Mới đây, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã tiến hành tạm giữ 11 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan Phi Điệp đột biến trên địa bàn. Công an Hòa Bình cũng vừa phá chuyên án bắt 5 đối tượng về hành vi lừa đảo trên.
Có thể thấy, việc mua bán hoa lan giá trị lớn nhưng không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước đã tạo nên “bong bóng đầu tư” dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp, có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật, gây mất ổn định xã hội. Trước tình hình trên, lực lượng công an khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu mua mặt hàng này cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua; chủ động phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh cây lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, kịp thời cung cấp thông tin với chính quyền địa phương và cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đã có hàng chục nạn nhân bị lừa đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng.