Chợ An Đông là một trong những khu chợ truyền thống lớn bậc nhất TP. Hồ Chí Minh, tọa lạc tại quận 5, với diện tích đất là 6.027 m², diện tích xây dựng là 25.326 m².
Hiện nay, chợ An Đông có trên 2.300 quầy sạp, có khoảng 5.000 lượt người đến chợ mỗi ngày. Tại đây chủ yếu kinh doanh các mặt hàng như: vải, quần áo, giày dép…. Do đó, các tiểu thương rất coi trọng việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Điều đáng nói, nhiều lối thoát hiểm, đường ra vào, đường hành lang cứu hộ cứu nạn… được Ban quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (Ban Quản lý chợ) tận dụng cho thuê làm quầy sạp bán hàng, làm bãi giữ xe. Điều này khiến khu chợ có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, đặc biệt ở thời điểm TP. Hồ Chí Minh bước vào cao điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay.
Cửa cầu thang được Ban quản lý chợ An Đông tận dụng cho thuê làm quầy sạp bán hàng. (Ảnh: Ngân Nga) |
Nhiều tiểu thương cho biết, UBND quận 5 và Ban quản lý chợ An Đông cho thuê không đúng thiết kế quy hoạch, sử dụng không đúng mục đích, không chỉ ảnh hưởng an toàn phòng cháy chữa cháy, mà còn gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo vệ sinh môi trường, tiềm ẩn rủi ro về hỏa hoạn cũng như công tác cứu hộ cứu nạn khi sự cố xảy ra.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, toàn bộ diện tích tầng hầm được thiết kế là bãi giữ xe, thế nhưng hiện nay bị Ban Quản lý chợ “xào chẻ” thành hàng trăm ký ốt cho thuê. Hơn thế, các lối thoát hiểm, đường vành đai, hành lang an toàn Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, diện tích giếng trời… hiện được Ban Quản lý chợ “hô biến” thành các ký ốt kinh doanh hàng hóa.
Nghiêm trọng hơn, 4 mặt chợ An Đông bị bãi xe vây kín, xe chiếm gần hết lối ra vào. Ngay ở cổng B - Yết Kiêu nằm trực diện văn phòng Ban quản lý chợ, mặc dù có biển cảnh báo “cấm đậu xe”, có lực lượng bảo vệ luôn thường trực ở cổng nhưng hàng trăm chiếc xe máy vẫn án ngự chiếm hết lối ra vào. Các cầu thang trong chợ cũng bị tiểu thương chiếm dụng phần lớn diện tích để chất hàng hóa. Nếu xảy ra cháy, việc thoát hiểm cũng như chữa cháy chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Mặc dù có biển cảnh báo “cấm đậu xe”, nhưng hàng trăm chiếc xe vẫn án ngữ bao quanh chợ An Đông. (Ảnh: Ngân Nga) |
“Việc cho thuê không đúng thiết kế quy hoạch, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng an toàn phòng cháy chữa cháy, mất an ninh trật tự và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Nguy cơ cho tính mạng, tài sản cũng như công tác cứu hộ nếu như xảy ra hỏa hoạn. Ngoài ra, hệ thống dây điện tại chợ An Đông khá chằng chịt, nguy cơ chập điện, xảy ra cháy nổ rất cao; hệ thống máy lạnh của chợ hiện đã xuống cấp, nhiều điểm của hệ thống bị rò rỉ chảy nước xuống các sạp hàng, một số tiểu thương phải dùng xô, chậu để hứng nước từ các điểm rò rỉ. Mọi người vừa lo bảo quản hàng hóa, vừa lo chập cháy điện gây cháy chợ”, một tiểu thương chia sẻ.
Các tiểu thương còn cho hay, Ban Quản lý chợ An Đông đưa hệ thống máy lạnh vào vận hành từ tháng 6/2018 với số tiền đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Chỉ sau 4 tháng đưa vào sử dụng, hệ thống này đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, một số khu vực không khí nóng nực nên tiểu thương nhiều lần kiến nghị lên ban quản lý cần phải thay mới đường dây, sữa chữa hệ thống máy lạnh nhưng ban quản lý này vẫn “án binh bất động”.
Hệ thống máy lạnh xuống cấp, rỉ nước nhiều năm nay, tiểu thương lấy chậu hứng nước dò rỉ (Ảnh: Ngân Nga). |
Song song với đó, tháng 12/2023 các tiểu thương gửi đơn lên Công an TP. Hồ Chí Minh và Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đề nghị kiểm tra, rà soát phương tiện phòng cháy chữa cháy tại khu vực Chợ An Đông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho mình. Tuy nhiên, đến nay đã 3 tháng trôi qua, các tiểu thương vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng này.
Liên quan đến vụ việc, ngày 8/4/2024, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh ký công văn 2024/SCT-QLTM để cung cấp thông tin cho Báo Công Thương. Trong đó, đại diện Sở Công Thương Thành phố chon biết, chợ An Đông thành lập trên dựa trên cơ sở Quyết định 784/QĐ-UB ngày 30/12/1991 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc cho phép thành lập Ban quản lý Trung tâm Thương mại Dịch vụ An Đông trực thuộc UBND quận 5 quản lý. Trung tâm Thương mại An Đông được hoạt động theo loại hình chợ truyền thống.
Còn với câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở Công Thương trong công tác kiểm tra, thanh tra như thế nào và đề nghị cung cấp các biên bản kiểm tra trong năm qua đối với chợ An Đông? Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trả lời, đơn vị đã có Báo cáo số 466/BC-SCT ngày 24/1/2024 về kết quả kiểm tra việc thực hiện các nội dung do UBND Thành phố ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên lĩnh vực kinh tế (công tác quản lý Nhà nước về chợ). Hiện đơn vị đang tham mưu trình xin ý kiến UBND TP. Hồ Chí Minh các nội dung có liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về chợ.
Hiện nay, Sở Công Thương đang trong quá trình lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan để tham mưu cho UBND Thành phố về công tác quản lý nhà nước về chợ. Do đó, Sở này sẽ cung cấp các nội dung có liên quan đến kết quả kiểm tra sau khi UBND Thành phố chấp thuận các nội dung do Sở Công Thương đề xuất.
Như vậy, dư luận đặt câu hỏi, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh “né” việc cung cấp biên bản kiểm tra hoạt động chợ An Đông, hoặc có thể trong năm qua, Sở này liệu có kiểm tra công tác quản lý Nhà nước tại chợ An Đông (!?).
Liên quan đến vụ việc, ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý chợ An Đông cho biết, các vị trí khai thác dịch vụ bên ngoài chợ là do nhiều đơn vị khai thác, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, cần thiết cho hoạt động của chợ như xếp dỡ hàng hóa, đón hàng, vận chuyển hàng, trông giữ phương tiện...
Riêng vị trí bên trong tầng hầm, Ban Quản lý hiện đang sử dụng các vị trí còn trống để khai thác, phát triển các dịch vụ quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Đây là khu vực được quy hoạch tạm sử dụng vào mục đích phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, nhằm góp phần phát triển thương mại dịch vụ, thu hút khách du lịch.
Trong thời gian gần đây, nhiều vụ cháy chợ xảy gây thiệt hại về người và tài sản gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cơ quan chức năng, các ban quản lý chợ cũng như bản thân các tiểu thương trong công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu công tác Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn ở chợ An Đông có được đảm bảo? Các cơ quan liên quan thời gian gần đây có đôn đốc, kiểm tra? Phải chăng Ban Quản lý chợ An Đông cho thuê quầy sạp không đúng thiết kế quy hoạch? Những câu hỏi này xin gửi đến cơ quan chức năng ở TP. Hồ Chí Minh xác minh, làm rõ.