Trong 22 tỉnh thành hợp tác thương mại với TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2025, có 13 tỉnh thành thuộc khu vực miền Tây Nam bộ; 5 tỉnh miền Đông Nam bộ; 4 tỉnh gồm Lâm Đồng, Bình Thuận, Gia Lai và Kon Tum.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, chương trình ký kết hợp tác giữa thành phố và các tỉnh thành lần này nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng về kinh tế của từng địa phương, góp phần phát triển lĩnh vực thương mại bền vững và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Các địa phương cùng với thành phố chia sẻ thông tin thị trường, hỗ trợ hoạt động đầu tư vào sản xuất, phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường khâu kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa để cung cấp ổn định cho thị trường.
Theo ông Vũ, chương trình hợp tác thương mại này gồm 7 nội dung cần thực hiện trong giai đoạn 2021- 2025. Cụ thể là đẩy mạnh công tác trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, cùng hợp tác thực hiện chương trình bình ổn thị trường; liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối và tạo nguồn cung hàng hoá chất lượng cao, ổn định thông qua xây dựng vùng nguyên liệụ.
Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành ký kết hợp tác phát triển thương mại giai đoạn 2021- 2025 |
Chương trình hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành trong thời gian qua thực tế đã mang lại hiệu qủa thiết thực cho doanh nghiệp (DN), nông dân, nhà bán lẻ và và người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tính đến nay, đã có 28 DN của TP. Hồ Chí Minh đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; xây dựng 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các địa phương với số vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Các DN này còn ứng vốn khoảng 3.200 tỷ đồng/năm cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản sản phẩm qua hệ thống phân phối của các DN TP. Hồ Chí Minh.
Bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - cho hay, trong những năm qua, Ba Huân đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm, xử lý trứng, xâu dựng trang trại chăn nuôi tại Bình Dương, Long An, Bình Hà Nội. Việc đầu tư tại các địa phương giúp cho công ty chủ động trong việc tạo nguồn nguyên liệu, sản phẩm chất lượng đẻ đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hiện tại, các DN của TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư 336 siêu thị tổng hợp, chuyên doanh và gần 2.500 cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh thành trên cả nước, chưa tính địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Chính hệ thống bán lẻ này là kênh phân phối số lượng lớn và hữu hiệu các sản phẩm từ trang trại, cơ sở sản xuất của DN, cơ sở sản xâuts, hộ nông dân của nhiều địa phương.
Sản phẩm Trà Mãng Cầu của tỉnh Hậu Giang được đông đảo người tiêu dùng quan tâm mua sắm |
Ngoài hợp tác với hàng nghìn DN, cơ sở, nông dân sản xuất hàng hoá tại các tỉnh thành, Saigon Co.op hiện đã xây dựng mạng lưới kho bãi, logistics, siêu thị hiện đại khắp cả nước, đồng thời là đầu mối thu mua số lượng lớn sản phẩm của các địa phương.
Đại diện Saigon Co.op cho rằng, phép tính liên kết hợp tác sản xuất hàng hoá với các địa phương đã giúp cho siêu thị có nguồn cung hàng hoá ổn định, hàng hoá đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phầm ngày càng được nâng cấp về mặt chất lượng, mẫu mã phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá, chương trình hợp tác phát triển thương mại giữa thành phố với các tỉnh thành đạt được nhiều kết quả tích cực là nhờ sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền, sở ngành của thành phố, của các địa phương và sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng DN, người nông dân trên khắp các vùng miền.
Để chương trình hợp tác thương mại đi vào chiều sâu, hoạt động chuyên nghiệp và phát hướng bền vững, theo ông Vũ, các DN, người nông dân cần phát huy hết lợi thế đặc quyền về vùng miền, thổ nhưỡng, nông phẩm đặc sản; các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ nhà sản xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách, về cơ chế, sự hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu là xây dựng được vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa cho thị trường thành phố, khu vực và tiến tới xuất khẩu.