Giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu
Thời gian qua, Báo Công Thương nhận được phản ánh của bạn đọc xung quanh 2 gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị tại dự án Đầu tư công trình xây dựng Trường THCS Nguyễn Thái Bình (số 95/39 đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) có dấu hiệu bị đội giá, không tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, gói thầu trên do Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng khu vực quận 6 làm chủ đầu tư có giá trị gói thầu xây lắp là 72.658.387.477 đồng. Tuy nhiên, sau đó nhà thầu đã trúng với giá 99.533.782.640 đồng. Cao hơn mức giá chủ đầu tư đưa ra gần 30% giá trị gói thầu.
Gói thầu xây lắp do Liên danh Công ty Cổ phần Thiết kế Tư vấn và Đầu tư xây dựng Công Trình - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Hưng Việt là đơn vị trúng thầu.
Trước đó, ngày 30/10/2015 Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 97/QĐ-SXD-TĐDA về việc phê duyệt dự án đầu tư công trình xây dựng Trường THCS Nguyễn Thái Bình.
Qua điều chỉnh, giá trúng gói thầu xây lắp tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình cao hơn gần 30% giá so với giá chủ đầu tư đưa ra. |
Quy mô đầu tư trên diện tích khuôn viên hơn 18 ngàn m2; diện tích xây dựng 3.770,59m2; tổng diện tích sàn xây dựng 4 tầng là 10.907,42m2. Tổng mức đầu tư 161.759.366.000 đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 72.658.387.477 đồng; chi phí thiết bị 11.555.243.000 đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Thành phố. Mục tiêu đầu tư nhằm hướng tới đảm bảo cơ sở vật chất, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Đến ngày 10/12/2015 Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 83/QĐ-SXD-KTXD về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu. Theo đó gói thầu xây lắp có giá 71.558.387.447 đồng; gói thiết bị giá 11.555.243.000 đồng.
Tiếp đó, ngày 13/10/2016, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 1323/QĐ-SXD-KTXD về việc Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán xây dựng công trình này với giá trị dự toán xây dựng 115.176.470.000 đồng, trong đó chi phí xây dựng 84.695.412.022 đồng, chi phí thiết bị 10.817.303.380 đồng, số tiền còn lại phí dự phòng và các chi phí khác.
Trên cơ sở Quyết định 97/QĐ-SXD-TĐDA ngày 30/10/2015, đến ngày 16/8/2022 Giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Hoàng Quân ký Quyết định số 1419/QĐ-SXD-TĐDA về việc Phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng Trường THCS Nguyễn Thái Bình. Theo đó, ở gói thầu xây lắp được điều chỉnh một số hạng mục chính.
Đáng chú ý, việc điều chỉnh này có chiều hướng giảm một số hạng mục. Đơn cử như, tại Quyết định 97 ngày 30/10/2015 nhà bảo vệ thiết kế 3 nhà, được điều chỉnh xuống 2 nhà. Nhà trạm biến áp có diện tích sàn xây dựng 9m2 có giá đầu tư 1,1 tỷ đồng được hủy bỏ. Phần san lấp cát, được điều chỉnh khối lượng san lấp từ 22.994,54m3 xuống còn 15.161,25m3. Công trình chính, chiều cao công trình (từ nền sân đến đỉnh mái) được điều chỉnh từ 18m xuống 15,2m…
Trên cơ sở đó, ngày 18/10/2022 ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Ban quản lý dự án khu vực quận 6 ký quyết định 197/QĐ-BQLDA Phê duyệt điều chỉnh Thiết kế xây dựng triển khai sau Thiết kế cơ sở công trình Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình. Giá trị gói thầu được điều chỉnh lên 120.778.038.072 đồng, trong đó giá trị xây lắp 92.109.312.101 đồng; giá trị thiết bị 12.158.699.339 tỷ đồng. Chênh lệch tăng hơn 7,4 tỷ đồng (đối với gói xây lắp), tăng hơn 1,3 tỷ đồng (đối với gói thiết bị) so với dự toán trước đó.
Tuy nhiên, ngay sau đó ông Nguyễn Anh Việt ký Quyết định 225/QĐ-BQLDA ngày 1/12/2022 phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp với giá trúng thầu 99.533.782.640 đồng. So với quyết định đầu tiên thì chênh lệch khoảng 27 tỷ đồng.
Có dấu hiệu “đội giá” gói thầu?
Lý giải về vấn đề này, ngày 10/4/2024, trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng khu vực quận 6 cho biết, việc giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu như phóng viên phản ánh là đúng. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, giá trúng thầu 99.533.782.640 đồng nói trên đã tính bao gồm dự phòng phí phát sinh hơn 4,3 tỷ đồng và hạng mục chung phát sinh hơn 3,2 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong các quyết định và quyết định điều chỉnh trước đó và gần đây nhất là Quyết định số 194/QĐ-BQLDA ngày 15/8/2023, ông Nguyễn Anh Việt ký phê duyệt điều chỉnh chi phí dự toán xây lắp cũng chỉ mức giá 92.109.312.101 đồng, các khoản chi phí khác bao gồm dự phòng phí đã được bố trí ở mục chi phí khác, hoàn toàn không thể hiện chi phí riêng trong chi phí gói thầu xây lắp này.
Dư luận đặt câu hỏi, cơ sở nào chủ đầu tư phê duyệt giá trúng thầu lên đến hơn 99 tỷ đồng, chênh lệch hơn 7 tỷ đồng so với giá dự toán đã điều chỉnh trước đó?
Có dấu hiệu "đội giá" tại một số gói thầu do Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng khu vực Quận 6 làm chủ đầu tư. |
Song song đó, tại Gói thầu mua sắm thiết bị thuộc Dự án xây dựng Trường THCS Nguyễn Thái Bình, một số trang thiết bị được Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng khu vực quận 6 mua sắm cũng có dấu hiệu “đội giá” hơn 4 tỷ đồng.
Cụ thể, Gói thầu mua sắm thiết bị có giá chủ đầu tư đưa ra 11.555.243.000, giá nhà thầu trúng thầu là 15.409.026.455 đồng. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thanh Niên - Công ty Cổ phần Thiết kế Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Công Trình. Hơn thế, một số trang thiết bị khi so sánh giá với các đơn vị khác trúng thầu, phóng viên thấy thiết bị trúng thầu thuộc dự án Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình có giá trúng thầu cao hơn.
Cụ thể, đối với thiết bị Máy chiếu Projector, xuất xứ Trung Quốc, trong hồ sơ đấu thầu được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) mua với giá 17.250.000, trong khi đó Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực quận 6 mua có giá 28.473.000 đồng; Két sắt 500kg xuất xứ Việt Nam, mã ký hiệu Hòa Phát-KS500K2C1 trong hồ sơ đấu thầu được Ngân hàng BIDV trúng thầu với giá 29.750.000 đồng, trong khi đó cùng mã ký hiệu, cùng nhà sản xuất, cùng thời điểm Ban quản lý dự án quận 6 mua với giá 33.668.000 đồng;
Đối với Máy photocopy mã ký hiệu Trung Quốc/RICOH IM 2702, Công ty Cổ phần Thiết bị Văn phòng Siêu Thanh trúng thầu tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Long An với giá 64.400.000 đồng, trong khi đó, cùng cấu hình, cùng xuất xứ Ban quản lý dự án khu vực quận 6 mua với giá 91.656.000 đồng.
Không những thế, một số hàng hóa được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 6 chỉ rõ tên hàng hóa, hãng sản xuất như: máy điều hòa Panasonic, ổ cắm Cino, dây điện Cadivi…
Giá trúng thầu Gói thầu mua sắm thiết bị cao hơn mức giá chủ đầu tư đưa ra hơn 30%. |
Theo Luật sư Trần Khánh Ly, Công ty Luật Glaw, "Căn cứ điểm i, khoản 6 Điều 89 Luật đấu thầu 2013 có quy định về hành vi bị cấm trong đấu thầu như sau: Cấm nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế. Bên cạnh đó, theo khoản 7 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về lập hồ sơ mời thầu có quy định không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa đối với trường hợp hàng hóa thông dụng".
Thông tin thêm với phóng viên, ông Nguyễn Anh Việt cho biết, các thiết bị giáo dục được mua sắm dựa trên danh mục trang thiết bị của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 6 đưa qua. Gói thầu mua sắm thiết bị có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình của dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo hồ sơ, ở gói thầu thiết bị, Công ty Cổ phần Thiết kế Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Công Trình đã loại 3 nhà thầu khác để liên tiếp trúng 2 gói thầu xây lắp và và lắp đặt thiết bị với vai trò liên danh. Ngoài ra, nhà thầu này còn trúng hàng loạt gói thầu xây lắp lớn ở các chủ đầu tư khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhiều nhất là ở huyện Hóc Môn và Bình Chánh...
Đấu thầu là hoạt động nhằm mục đích tiết kiệm kinh phí, làm lợi cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đối với gói thầu xây dựng, mua sắm thiết bị tại trường THCS Nguyễn Thái Bình không những không tiết kiệm được đồng nào, ngược lại có dấu hiệu làm tăng thêm hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách.