Tăng cường hợp tác lĩnh vực công nghệ cao
Ngày 21/5, Đoàn công tác TP. Tampere (Phần Lan) do ông Jouni Markkanen - Phó Thị trưởng dẫn đầu, đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Chuyến làm việc nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, sản xuất thông minh, vật liệu mới và phát triển đô thị thông minh.
![]() |
Đoàn TP. Tampere (Phần Lan) làm việc với C4IR tại TP. Hồ Chí Minh |
Buổi làm việc nằm trong lộ trình chuẩn bị cho việc ký kết bản ghi nhớ (MOU) giữa chính quyền TP. Hồ Chí Minh và TP. Tampere (Phần Lan). Tại đây, ông Lê Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) TP. Hồ Chí Minh và ông Phạm Phú Trường - Phó Giám đốc đã giới thiệu quá trình thành lập và định hướng hoạt động của trung tâm.
Theo đó, C4IR được UBND TP. Hồ Chí Minh thành lập nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao, với 5 lĩnh vực trọng tâm: Trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển bền vững, vật liệu mới, giải pháp tài chính xanh và đổi mới công nghệ.
Trung tâm hoạt động vừa tư vấn chiến lược (think-tank), vừa là đơn vị triển khai (do-tank) theo mô hình “think-and-do tank”, kết nối chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và giới nghiên cứu. Đồng thời, tham gia các sáng kiến toàn cầu thông qua Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). C4IR đóng vai trò cầu nối khoa học - công nghệ, vừa tư vấn chiến lược, vừa triển khai thực tế các sáng kiến phát triển.
![]() |
Ông Lê Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) giới thiệu tình hình hoạt động của C4IR với đoàn công tác TP. Tampere. |
Thúc đẩy sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo
Tại buổi làm việc, hai bên thống nhất cùng khai thác tiềm năng hợp tác trên cơ sở “cùng nghiên cứu, cùng triển khai, cùng làm”, hướng tới kết quả cùng có lợi và cộng hưởng. Các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: Sản xuất thông minh là mũi nhọn hợp tác giữa hai bên. Việt Nam với tỷ lệ lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang cần lộ trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực sản xuất. C4IR đang xây dựng nền tảng đánh giá mức độ sẵn sàng sản xuất thông minh, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, đầu năm 2026, mở ra cơ hội hợp tác công nghệ với doanh nghiệp Phần Lan.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là nội dung được đặc biệt quan tâm. Phần Lan đã xây dựng hành lang pháp lý và chiến lược AI, trong khi TP. Hồ Chí Minh đang cần học hỏi kinh nghiệm để xây dựng chính sách phù hợp. Hai bên thống nhất sẽ phối hợp nghiên cứu và chia sẻ dữ liệu thực tiễn, tiến tới đề xuất chính sách pháp lý.
Ngành bán dẫn là lĩnh vực Phần Lan có thế mạnh, đặc biệt về các dòng chip có khả năng lưu trữ cao. TP. Hồ Chí Minh mong muốn tìm hiểu thêm và kết nối với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu chuyên sâu từ TP. Tampere.
Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là trụ cột hợp tác dài hạn. C4IR đang hỗ trợ xây dựng mạng lưới startup, tổ chức Ngày đổi mới mở vào tháng 10/2025 với mục tiêu chọn lọc 300 - 500 startup tiềm năng. Các bên kỳ vọng startup hai nước có thể trao đổi, cùng giải các bài toán thực tiễn tại Việt Nam và học hỏi lẫn nhau.
Về logistics và đô thị thông minh, hai bên chia sẻ mô hình thí điểm sử dụng 5G tại Cảng Tân Cảng (TP. Hồ Chí Minh) và các giải pháp công nghệ trong quản lý đô thị. Tampere bày tỏ mong muốn cùng TP. Hồ Chí Minh mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong quản lý giao thông, xây dựng thông minh.
Phía C4IR đề xuất, sau buổi làm việc, Tampere chỉ định cơ quan đầu mối để tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể và tham gia các hoạt động hợp tác trong thời gian tới. TP. Hồ Chí Minh sẽ gửi thư mời chính thức tới TP. Tampere tham dự Tuần lễ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) vào tháng 11/2025. Sự kiện dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các nhà khoa học và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo…
Buổi làm việc khép lại với cam kết chung về phương thức hợp tác rõ ràng, hướng đến xây dựng các đề án cụ thể, có sự tham gia của nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Đồng thời, kỳ vọng các chương trình hành động sẽ sớm chuyển thành kết quả thực tiễn. |