Người trồng mai Tết thấp thỏm vì lo hoa nở sớm Thời tiết thuận, người trồng mai mừng |
Sức mua chậm
Những ngày này, nhiều hộ trồng mai ở TP. Hồ Chí Minh đang tất bật bên những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị tung ra thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết các nhà vườn đều lo ngại thị trường Tết sẽ ảm đạm.
Những năm trước vào thời điểm này, đến làng mai vàng Thủ Đức (TP. Thủ Đức) có thể gặp nhiều thương lái, doanh nghiệp đến nhà vườn khảo sát, đặt mua để bán, chưng tết hoặc biếu tặng nhau. Thế nhưng, năm nay hầu hết nhà vườn chưa nhận được đơn đặt hàng. Để giữ chân khách quen, các nhà vườn không tăng giá dù chi phí đầu tư, phân bón tăng cao.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức) có hơn 1.000 gốc mai cho biết, những năm trước giờ này người mua rất nhiều. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua sẽ giảm.
“Mọi năm giờ này người ta đến đặt hàng lai rai nhưng năm nay tình hình hơi căng. Vườn mai của gia đình chủ yếu bán cho khách quen, mối lái gắn bó nhiều năm. Từ mối thân quen, Tết họ đến với mình. Năm nay, sức mua giảm nhưng tin chắc cũng có khách, có thu nhập nhưng không cao”, ông Tuấn cho biết.
Nhà vườn lo lắng khi thị trường mai Tết năm nay khá ảm đạm |
Cách vườn mai nhà ông Tuấn khoảng 500m là vườn mai 2.500m² của ông Huỳnh Văn Hòa (43 tuổi), ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức. Năm nay, gia đình ông Hòa có khoảng 600 gốc mai chuẩn bị đưa ra thị trường phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán. Cũng như nhiều hộ trồng mai khác, ông Hoà không khỏi lo lắng vì vài năm trở lại đây, thị trường cây kiểng giảm xuống do người dân thất nghiệp nhiều, doanh nghiệp khó khăn.
“Mấy năm trước bán khoảng 200 gốc, còn thị trường năm nay chỉ cần bán được 100 gốc là nhiều rồi. Nói chung chỉ cần như vậy để bù lại phân, thuốc, tiền công chứ không bù lại chi phí cho 1 năm bỏ ra"- ông Hòa nói.
Nhà vườn giảm giá, tìm cách kích cầu
Theo ông Huỳnh Văn Hòa, mấy chục năm gắn bó với nghề trồng mai nhưng chưa khi nào các nhà vườn ở làng mai Thủ Đức lại “đứng ngồi không yên” như hiện nay. Ai cũng lo không có người mua sẽ không có chi phí chăm sóc cây và chi tiêu dịp Tết. Nhà vườn đã chủ động tìm đầu ra bằng cách chào bán trên Zalo, Facebook cá nhân và các hội nhóm hoa mai, cây cảnh. Mặt khác, họ hỏi nhau về Hội hoa Xuân các tỉnh lân cận để đăng ký tham gia.
Trong khi đó, tại vườn mai Sáu Hải, để kích cầu sức mua, chủ vườn chủ động giảm giá thuê thấp hơn từ 10-30% so với giá bán. Nhà vườn chịu chi phí vận chuyển, công chăm sóc trong suốt mùa Tết và đảm bảo 100% hoa nở.
Ông Nguyễn Văn Hải, chủ vườn mai Sáu Hải cho biết, số lượng mua với cho thuê cũng ngang nhau. Tuy nhiên, khách mua thường ưu tiên chọn những cây có giá trị thấp tầm vài ba trăm ngàn cho đến 1 triệu đồng. Trong khi đó, giá cho thuê thấp nhất cũng 6-7 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu vẫn có người đặt. Bởi vậy, xét về giá trị thì cho thuê vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn.
“Buôn bán ế ẩm lắm, 1.000 người hỏi mới có 10 người mua. Bởi vậy, phải cho thuê để có đồng ra đồng vô”, ông Hải nói. Nắm bắt tâm lý thị trường khách thuê nhiều hơn mua, ông Hải chủ động xem xét hạ giá thuê khoảng 5-10% để mau hết hàng.
Ông Lê Văn Phương, Chủ tịch Hiệp hội Sinh vật cảnh xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, nhận định, giá thuê, bán năm nay sẽ không thay đổi, thậm chí có xu hướng giảm dù chi phí phân bón tăng cao. Ngoài lý do kinh tế khó khăn, người dân “thắt lưng buộc bụng” còn có việc các nhà vườn nằm tại khu quy hoạch đã cung cấp mai ra thị trường với giá rẻ.
Để hỗ trợ tiêu thụ mai vàng trong dịp tết, hàng năm chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện tổ chức bố trí không gian cho bà con trồng hoa kiểng trưng bày và bán hoa kiểng, trái cây đặc sản cho khách mua. Đơn cử như tại TP. Thủ Đức, trong khuôn khổ chương trình chợ hoa xuân năm nay diễn ra từ 30/1 – 4/2/2024, TP. Thủ Đức sẽ ra mắt trang TikTok "Chợ Thủ Đức" trực tuyến. Theo đó, ban tổ chức sẽ mời các KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) livestream bán hàng tại chợ hoa xuân. Dự kiến, các KOL này cũng đến tận nhà vườn của các hộ nông dân để quảng bá sản phẩm. Đây được xem là một trong những chính sách tạo điều kiện giúp bà con nông dân làm nghề hoa kiểng, trong đó có nghề trồng mai có thêm động lực để tiếp tục với nghề truyền thống của mình.