Ngành lương thực, thực phẩm nhiều cơ hội bứt phá hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hướng đi mới trong sản xuất giấy bao gói thực phẩm |
TP. Hồ Chí Minh hiện đang quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng đầu vào của hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, mới đây, 6 doanh nghiệp phân phối lớn tại thành phố là Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, Aeon, Bách Hóa Xanh đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ngoài 6 đơn vị này, một doanh nghiệp phân phối khác là Wincommerce cũng vừa đăng ký tham gia chương trình.
Ông Hùng cho biết, việc hợp tác này nhằm tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững theo hướng hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả.
Theo hợp tác, các doanh nghiệp phân phối nói trên sẽ cùng hành động trên tinh thần tự nguyện để phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối trên địa bàn; đồng thời sẽ công khai thông tin sản phẩm không an toàn. Qua đó tạo sức răn đe tổng hợp; định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm.
Trong kế hoạch, bước đầu, chương trình thí điểm đối với 1 số sản phẩm thuộc 3 nhóm mặt hàng là: nhóm trái cây, nhóm rau củ quả và nhóm thịt.
Hàng hóa vào siêu thị sẽ có tiêu chuẩn cao hơn |
Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia ký kết, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc của Saigon Co.op- chia sẻ rằng, việc hợp tác này nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm đặc sắc của TP. Hồ Chí Minh cạnh tranh với hàng nhập khẩu; tạo điều kiện thuận lợi để Saigon Co.op và các đối tác kinh doanh kết nối trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm phát triển kênh phân phối, thông tin quy chuẩn để đưa hàng hóa vào kinh doanh trong các hệ thống phân phối của Saigon Co.op.
Cũng trong chuỗi hoạt động kiểm soát chất lượng hàng hóa trên, mới đây Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này.
Thông tin tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (Lâm Đồng) đã đề xuất: Cần có logo riêng của những sản phẩm trong chương trình để người tiêu dùng nhận diện, lựa chọn.
Còn đại diện Công ty TNHH Việt F.A.R.M thì đề xuất có bộ tiêu chuẩn chung cho hàng hóa vào siêu thị để giải quyết tình trạng cùng 1 loại sản phẩm đủ tiêu chuẩn vào hệ thống siêu thị này nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị khác hiện nay.
Qua những đề xuất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết: Sở sẽ ngồi lại với các hệ thống phân phối để xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng hành động.
Theo ông Phương, điều kiện để bán hàng vào siêu thị có thể sẽ khó hơn trước, trách nhiệm của nhà cung cấp cũng cao hơn. Bù lại, các bên sẽ tiến tới 1 chuẩn nhập hàng chung (bên cạnh 1 số tiêu chuẩn riêng theo chiến lược kinh doanh của từng hệ thống); doanh nghiệp ký được hợp đồng bán hàng vào 1 hệ thống siêu thị sẽ đương nhiên được ưu tiên xúc tiến đưa vào các hệ thống siêu thị còn lại.
Về phía tỉnh Lâm Đồng, bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này- cho biết, sẽ thông báo đến các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh về chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa; đồng thời trong giai đoạn đầu Lâm Đồng có thể triển khai đối với mặt hàng rau và một số loại quả, trong đó có quả dâu tây.