Các khu công nghiệp đã trở thành trọng điểm thu hút đầu tư Bất động sản công nghiệp trong cuộc đua thu hút đầu tư Giải bài toán vốn cho phát triển khu công nghiệp |
Thu hút đầu tư cao nhất 30 năm
Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) vừa cho biết, năm 2023 tổng vốn đầu tư vào các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố (cả cấp mới và điều chỉnh) đã vượt 1 tỷ USD, tăng 84% so với năm 2022.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý Các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, do thu hút đầu tư tập trung vào các dự án công nghệ cao trong nước và nước ngoài có vốn đầu tư lớn, 2023 là năm đầu tiên thu hút đầu tư TP. Hồ Chí Minh đạt trên 1 tỉ USD, tăng vọt so với con số khoảng 480 triệu – 800 triệu USD mỗi năm trong những năm trước.
Đồng thời, suất đầu tư tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất cũng tăng lên 8,1 triệu USD/ha (không tính dự án Viettel với 624 triệu USD), tăng vọt so với mức 5,5 triệu USD trong với giai đoạn trước và mức 7,2 triệu USD trong năm 2022.
Đánh giá về hoạt động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp – khu chế xuất ông Hưng cho rằng, năm 2023, mặc dù quỹ đất cho thuê giảm so với những năm trước nhưng vốn đầu tư tăng cao cho thấy sự chắt chiu của Ban quản lý trong việc thu hút đầu tư. Đáng chú ý là bắt đầu có những ngành nghề về data center, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo công nghệ cao… vào các khu chế xuất và công nghiệp. “Điển hình như, dự án của Viettel đầu tư lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin có tổng vốn 624 triệu USD chỉ sử dụng diện tích rất nhỏ, khoảng 4ha. Đây cũng là dự án đóng góp đáng kể để năm qua thu hút vốn đầu tư của khu vực này tăng đột biến”, ông Hưng nói.
Thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp - khu chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh cao kỷ lục |
Đi vào chi tiết, ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban Hepza, cho biết tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút trong năm 2023 đạt hơn 222 triệu USD, tăng 13,38% so với năm 2022. Trong đó, cấp mới 16 dự án với vốn đầu tư đăng ký 63,2 triệu USD, giảm gần 13% so với năm 2022; 34 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 159,71 triệu USD, tăng 28,75% so với năm 2022. Hiện suất đầu tư đối với khối vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,6 triệu USD/ha.
Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 18.500 tỉ đồng (tương đương 789,35 triệu USD), tăng 123,94% so với năm 2022. Trong đó, cấp mới 46 dự án với vốn đầu tư đăng ký 16.715,93 tỉ đồng (tương đương 711,58 triệu USD), tăng 150,24% so với năm 2022 (284,35 triệu USD); 20 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 1.815,06 tỉ đồng (tương đương 77,77 triệu USD), tăng 14,16% so với năm 2022 (68,12 triệu USD).
Tạo môi trường thuận lợi, tăng thu hút vốn đầu tư
Theo ông Hứa Quốc Hưng, năm 2024, Hepza đặt chỉ tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư, suất đầu tư bình quân 8,5 triệu USD/ha.
Theo kế hoạch năm nay, Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hoàn thành Đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu công nghiệp – khu chế xuất. Cụ thể khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) sẽ chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao; Khu công nghiệp Cát Lái (TP. Thủ Đức) chuyển đổi thành khu công nghiệp logistics; Khu công nghiệp Tân Bình (Tân Phú – Bình Tân) được đầu tư theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao; Khu công nghiệp Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) chuyển đổi một phần theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp. Trước bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tái cấu trúc các khu công nghiệp – khu chế xuất để chuyển sang ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, có năng suất lao động, hàm lượng tri thức cao là điều cần thiết.
Cũng theo ông Hưng, trong các chương trình mời gọi đầu tư gần đây, TP. Hồ Chí Minh đưa ra một số khu vực đầu tư là: Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 (597 ha) và giai đoạn 3 (500 ha); Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và Phạm Văn Hai II (289 ha). Trong đó, khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II mới được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch các khu công nghiệp ở Việt Nam vào tháng 5/2023. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch triển khai 2 khu công nghiệp này, trước mắt đã ghi nhận nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có những tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước đã gửi văn bản đặt vấn đề tìm hiểu đầu tư.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, để thu hút vốn đầu tư, ban sẽ tăng cường tiếp xúc để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà đầu tư tìm kiếm, lựa chọn cơ hội mở rộng dự án. TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ phát huy cơ chế “một cửa tại chỗ”, phân cấp ủy quyền để Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp để có thể giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục, tăng sức hấp dẫn khi đầu tư vào các khu chế xuất – khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.