TP. Hồ Chí Minh: Ngành lương thực thực phẩm đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu
Đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19 trong nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang diễn biến phức tạp, khó lường với tốc độ lây lan nhanh đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả cộng đồng các DN, nhất là khi TP. Hồ Chí Minh quyết định triển khai áp dụng giãn cách xã hội trên toàn TP theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định trong điều kiện đã kích hoạt và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch |
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng hầu hết các DN ngành lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh vừa chủ động đảm bảo thực hiện các giải pháp, bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, vừa tập trung, duy trì sản xuất ổn định, chủ động được nguồn cung và nguồn dự trữ thực phẩm, đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) - cho biết, với tính chất đặc thù là ngành cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cho toàn xã hội, mặc dù trong mọi hoàn cảnh và diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, nhưng hầu hết các DN thành viên FFA vẫn tập trung duy trì sản xuất bình thường, ổn định trong điều kiện đã kích hoạt và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch, chủ động được nguồn cung và nguồn dự trữ thực phẩm, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh. Qua đó, tạo niềm tin và sự an tâm, ổn định trong cộng đồng xã hội, DN, góp phần cùng chính quyền TP. Hồ Chí Minh chống dịch hiệu quả.
Đơn cử, đối với nhóm mì ăn liền, các DN của FFA cam kết sản lượng luôn dồi dào, như Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đã tăng năng lực sản xuất từ 30-50%. Hiện nay lượng cung tại TP. Hồ Chí Minh đang tăng 50%, cả nước tăng 30%, Acecook vẫn đảm bảo cung ứng so với bình thường. DN đang sản xuất ổn định với công suất mỗi ngày khoảng 80 triệu gói và dự phòng có thể nâng công suất lên 12 triệu gói/ngày nếu nhu cầu sử dụng trong thời gian tới tăng cao. Đáng chú ý, tuy không phải là DN bình ổn nhưng DN cam kết sẽ không tăng giá từ giờ đến cuối năm dù chi phí đầu vào tăng cao nhằm chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng.
Ngành lương thực thực phẩm đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân TP. Hồ Chí Minh |
Tương tự, Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cũng khẳng định năng lực sản xuất có thể tăng lên từ 65% như hiện nay, lượng cung tại TP đang tăng 20%, cả nước đang tăng 35%, Vifon vẫn đảm bảo cung ứng so với bình thường. Hiện công ty vẫn sản xuất ổn định với công suất mỗi ngày khoảng 1,13 triệu gói - tô - cốc - chai/ngày và có thể nâng công suất lên 1,53 triệu gói - tô - cốc - chai/ngày nếu như nhu cầu sử dụng trong thời gian tới tăng cao.
Đối với nhóm thịt heo tươi sống, Công ty Vissan khẳng định cung ứng đầy đủ hàng ngày cho người dân TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, lượng heo giết mổ tăng 2-2,5 lần so với thời điểm bình thường, khi mỗi ngày Vissan giết mổ 1.200 - 1.300 con heo, tương đương 120 tấn/ngày để cung cấp cho các hệ thống phân phối bán lẻ, các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm và các sàn thương mại điện tử, website bán hàng của công ty và đảm bảo nâng sản lượng lên cao nhất nếu nhu cầu thị trường tăng.
Ngoài ra, DN luôn có lượng gối đầu dự trữ khoảng 300 tấn thịt tươi sống trữ mát, sẵn sàng đưa ra khi thị trường có biểu hiện hút hàng. Riêng đối nhóm thực phẩm chế biến, sản lượng cung ứng mỗi ngày 100 tấn, tăng 20% so với bình thường và sản lượng dự trữ đảm bảo cung ứng trong 2 tháng. Trong khi đó, Công ty CP cũng cam kết đảm bảo cung cấp đầy đủ và giữ bình ổn giá được 6 tháng do có chủ động về chăn nuôi. Hiện nay sản lượng cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh thịt heo tươi sống chiếm 30% đến 35%.
Công ty Vissan khẳng định cung ứng đầy đủ thịt heo tươi sống, hàng ngày cho người dân TP. Hồ Chí Minh |
Liên quan đến cung ứng nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, Chủ tịch FFA cho hay, các DN thành viên cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục giữ bình ổn. Cụ thể, Công ty Cổ phần Ba Huân cam kết cung ứng mặt hàng trứng đầy đủ, tăng độ phủ trên diện rộng và giữ giá bán bình ổn. Riêng mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm sẽ đảm bảo đủ cung ứng và giữ giá bình ổn trong 3 tháng tới. Tương tự, Công ty San Hà, Vĩnh Thành Đạt nguồn cung cũng sẽ dồi dào, không bao giờ bị thiếu và giá thịt gia cầm các loại như gà, vịt sẽ tiếp tục ổn định giá.
Đặc biệt, đối với mặt hàng lương thực như gạo thì hiện tại dù giá lúa gạo đang cao nhưng các DN của FFA vẫn duy trì lượng tồn kho lớn, sản lượng gạo dự trữ đảm bảo đủ cung ứng đến cuối năm và giữ giá bán theo mức hiện tại...
Mặc dù các DN thành viên FFA vẫn tập trung duy trì sản xuất bình thường, ổn định trong điều kiện đã kích hoạt và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch. Nhưng theo bà Lý Kim Chi, điều các DN trong ngành đang hết sức lo lắng và quan ngại khi tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và đã lan sang nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam, đồng nghĩa với đó là nguy cơ dịch xâm nhập vào các đơn vị, nhà máy cung cấp nguyên liệu sản xuất, chế biến cho ngành rất cao.
Với đặc thù của ngành, đa phần nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất của ngành đều nằm ở các tỉnh và cả tại TP. Hồ Chí Minh, nên để sản lượng cung ứng kịp thời và đủ nhu cầu thị trường, đòi hỏi việc đảm bảo cung ứng nguyên liệu đến các DN sản xuất là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Do đó, rất mong trong trường hợp nếu các đơn vị này ghi nhận có ca nhiễm hoặc liên quan đến ca nhiễm Covid-19, FFA rất mong chính quyền TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ các DN này sau khi hoàn thành các biện pháp về cách ly, khử khuẩn, bố trí lực lượng lao động đảm bảo an toàn cho sản xuất và các yêu cầu khác về phòng chống dịch, thì nhanh chóng cho các DN sớm quay lại sản xuất bình thường nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).