Sẽ không xảy ra tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá Lương tăng 20,8%, liệu người lao động đã đủ sống? |
Câu chuyện tăng lương, tăng giá không chỉ là vấn đề của bộ phận công chức, viên chức Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là những người lao động nghèo, lao động tự do không nằm trong diện được tăng thu nhập.
Chị Nguyễn Kim Sáng, giáo viên một trường THCS trên địa bàn quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh)- cho biết: Mức lương của giáo viên nói chung không cao nên chị phải “thắt lưng, buộc bụng” và làm thêm các công việc khác mới đủ sống. “Việc được tăng lương sẽ có thêm một khoản nhỏ để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, nhưng các mặt hàng như mua sắm đồ ăn, tiền thuê nhà cũng sẽ có xu hướng tăng theo” - chị Sáng cho biết thêm.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số chợ lớn trên địa bàn như: Chợ Bà Chiểu, Bến Thành, chợ Tân Định, chợ Kim Biên, chợ Hạnh Thông Tây, chợ Bà Hoa… thì nhiều mặt hàng đang có xu hướng tăng sau khi tăng mức lương cơ sở.
Cụ thể, thịt đùi heo, sườn non, ba rọi, xương heo… tăng từ 5.000 – 6.000 đồng/kg so với tháng trước, trong đó rau cải tăng từ 26.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, bắp cải tăng từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, trứng gà ta tăng nhẹ từ 2.800 đồng/quả lên 3.000 đồng/quả…
Giá nhiều loại rau xanh có xu hướng tăng |
Theo chị Bùi Thị Thủy, tiểu thương bán rau ở chợ Bến Thành, giá rau, thực phẩm chỉ mới tăng giá thời gian từ 2 tuần trở lại đây, hầu hết các mặt hàng tăng giá từ 5.000-7.000 đồng/kg. Tuy vậy chị Thủy cho biết, việc rau quả tăng giá chủ yếu do nguồn cung hiện đang giảm do miền Nam hiện đang vào mùa mưa, việc vận chuyển, bảo quản rau gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Tương tự, bà Cao Thị Phượng, tiểu thương bán tại chợ Bến Thành chia sẻ, nguồn cung rau từ chợ đầu mối giảm là nguyên nhân chính tăng giá các mặt hàng tại các chợ dân sinh trên địa bàn. Trong đó, mặt hàng tăng giá nhiều nhất là rau ăn lá bởi hiện nay tại mưa nhiều nên vùng trồng rau này bị hỏng nhiều.
Nói về việc các mặt hàng thực phẩm tăng giá liệu có do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở, hầu hết các tiểu thương tại các chợ đều cho rằng, việc tăng mức lương cơ sở ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường nhưng không nhiều, nguyên nhân chủ yếu vẫn do thời tiết và giá cả nhiên liệu đầu vào.
Trước việc giá hàng hóa xu hướng tăng, thời gian gần đây chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện một số giải pháp nhằm giúp kiềm giá hàng hóa, bình ổn giá thị trường. Cụ thể là tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá và khuyến mại tập trung với sự tham gia của hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất, phân phối.
Trong đó, với hoạt động khuyến mại, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết: Để tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Sở Công Thương đã đề xuất báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép triển khai Chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” đợt 1, diễn ra liên tục trong suốt 3 tháng (từ ngày 15/6 - 15/9/2023).
Điểm đặc biệt của chương trình được triển khai rộng rãi đến toàn thể doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn và thu hút trên 3.000 doanh nghiệp tham gia với hơn 7.300 chương trình khuyến mại thực chất có hạn mức khuyến mại tối đa lên đến 100%.
Là doanh nghiệp hưởng ứng tích cực chương trình này, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart của Saigon Co.op- cho biết: Saigon Co.op đã phối hợp cùng 1.000 nhà cung cấp ở tất cả các ngành hàng để thực hiện khuyến mãi đến 59% cho người dân thành phố. Theo đó, trong thời gian 3 tháng, chương trình sẽ sắp xếp các mặt hàng giảm giá một cách khoa học, phù hợp với tình hình thời tiết và nhu cầu mua sắm của thị trường.
Ông Thắng kỳ vọng, thông qua các hoạt động này sẽ góp phần kéo giảm giá hàng hóa, giúp người dân có thể mua sắm tiết kiệm hơn trong giai đoạn khó khăn hiện nay.