Quy định mới về sắp xếp lại, xử lý tài sản công Nghị định 67 của Chính phủ: Phân cấp mạnh hơn trong xử lý tài sản công Xử lý tài sản bảo đảm ngân hàng qua thi hành án: Còn nhiều khó khăn |
Ngày 11/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”.
Quang cảnh tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”. (Ảnh: SGGP) |
Chủ trì tọa đàm có ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP. Hồ Chí Minh; ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận, nêu ý kiến hiến kế các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn thành phố, góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng, luôn được Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP. Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng.
Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: SGGP) |
“Xác định công tác thu hồi tài sản là nhiệm vụ quan trọng, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 30 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, các cấp ủy đảng và các đơn vị chức năng trong việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Đây là những bước đi chiến lược, cụ thể hóa sự quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố”, ông Ngô Minh Châu nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Minh Châu, tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Dù vậy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế trong những năm qua tại TP. Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn và thách thức…
Tại buổi toạ đàm, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng công tác thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả vụ án thời gian qua còn một số hạn chế.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hoạt động giám định tư pháp, định giá trong tố tụng hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tài sản, số tiền tham nhũng hoặc hậu quả thiệt hại của vụ án.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Ảnh: SGGP) |
Tuy nhiên, trong nhiều vụ án, công tác giám định tư pháp, định giá tài sản bị kéo dài, phải giám định bổ sung hoặc giám định lại, nên việc xác định đúng số tiền bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại gặp nhiều khó khăn.
Luật sư Phan Trung Hoài, các vụ án có nhiều tài sản, cổ phần, cổ phiếu không được định giá trong tố tụng hình sự hoặc do chưa hoàn thiện về pháp lý nên bị quy giá trị về bằng “0”, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.
Luật sư Phan Trung Hoài kiến nghị, cần thống nhất quan điểm coi trọng vị trí, vai trò của luật sư, tạo điều kiện cho việc tham gia của luật sư ngay từ khi xác minh tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả trong thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sự Việt Nam, kiến nghị TP. Hồ Chí Minh cần thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án đối với các vụ đại án kinh tế tham nhũng.
Từ đó, đó có thể tập trung sức mạnh tổng hợp và có cơ chế tháo gỡ khó khăn về pháp lý cũng như thủ tục để hồi sinh các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn, ở các vị trí “đất vàng” của TP. Hồ Chí Minh (như dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng; dự án số 8-12 Lê Duẩn, 152 Trần Phú, dự án Mũi Đèn Đỏ…). Kết quả đạt được sẽ có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Theo Luật sư Phan Trung Hoài, giải pháp này sẽ giúp xử lý minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các tài sản bị kê biên, phong tỏa có giá trị lớn, hồ sơ pháp lý phức tạp.
Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, nhất là công tác phong tỏa, thu giữ, chuyển giao, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có nguồn gốc Việt Nam ra nước ngoài.
Luật sư Hà Hải nêu ý kiến, trên cơ sở khuyến nghị của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Việt Nam có thể tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm về cơ chế tịch thu tài sản không dựa trên phán quyết của tòa án, đặc biệt khi người phạm tội đã chết, lẩn trốn hoặc vắng mặt, hoặc các trường hợp khác được quy định của Công ước. Đây là biện pháp đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn bởi sự kịp thời về mặt thời gian, thủ tục trước khi đưa vụ việc vào quy trình tố tụng đồng thời có thể nghiên cứu học tập kinh nghiệm của một số nước về thu hồi tài sản...