Có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng nhập khẩu Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần đánh giá tác động, tính toán kỹ lưỡng |
Ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh |
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2018, UBND Thành phố đã xây dựng đề án thí điểm tăng mức thu thuế Bảo vệ môi trường thông qua giá xăng trên địa bàn. Theo đó, đề xuất mức tăng thuế Bảo vệ môi trường thông qua giá xăng không quá 25% so với mức thuế hiện hành và nằm trong khung mức trần cho phép.
Số thu dự kiến thu được khi ban hành chính sách này khoảng 750 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, ngày 26/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế Bảo vệ môi trường. Theo đó thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng tăng lên 4.000 đồng/lít. Do đó, để tránh việc tăng mức thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thành phố đã dừng các thủ tục đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chính sách tăng thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng trên địa bàn Thành phố.
Năm 2019, UBND Thành phố đã tiến hành thống kê, thu thập số liệu, dự thảo đề cương Đề án xây dựng thí điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia tiêu thụ trên địa bàn. Mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt không vượt quá 25% so với mức thuế hiện hành. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; Thành phố đang tiếp tục thực hiện các bước để đánh giá tác động của việc tăng mức thuế này đến hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế của Thành phố. Do đó đến nay, Thành phố chưa thực hiện tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, về quản lý tài chính ngân sách Nhà nước, mặc dù Nghị quyết số 54 đã cho phép Thành phố được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, thông thoáng nhằm tăng cường nguồn lực cho Thành phố. Tuy nhiên Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, qua gần 5 năm thực hiện, nhiều chính sách vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai chưa thực sự hiệu quả.
Theo đó, về việc thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng tăng lên 4.000 đồng/lít, để tránh ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thành phố đã dừng các thủ tục đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chính sách tăng thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc tăng thuế Bảo vệ môi trường có ý nghĩa không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn có ý nghĩa định hướng sản xuất, tiêu dùng, hướng đến môi trường xanh. Theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật liên quan, không chỉ mặt hàng xăng, dầu chịu thuế bảo vệ môi trường mà còn nhiều mặt hàng khác như túi ni lông thuộc diện chịu thuế, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.
Ngoài xăng, dầu có tác động trực tiếp đến kinh tế của người dân, những mặt hàng khác được quy định trong Luật Thuế bảo vệ môi trường là những mặt hàng cần hạn chế sử dụng. Do vậy, đề nghị nghiên cứu để một mặt tận dụng dư địa khai thác nguồn thu, nâng cao ý thức bảo về môi trường nhưng mặt khác không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng những mặt hàng không khuyến khích như rượu, bia, thuốc lá. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng này không chỉ góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Thành phố mà còn góp phần định hướng tiêu dùng, giảm bớt gánh nặng xã hội về y tế, tệ nạn xã hội. Vì vậy, vẫn có thể nghiên cứu, áp dụng chính sách này trong thời gian tới.