TP. Hồ Chí Minh siết kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục 6 đoàn kiểm tra liên ngành chuẩn bị kiểm tra an toàn thực phẩm Tết 2023 |
Rạng sáng ngày 29/12, Đoàn công tác về kiểm tra an toàn thực phẩm do bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã kiểm tra một số chợ đầu mối trên địa bàn.
Hàng không rõ nguồn gốc, không chứng từ không được vào chợ
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, ông Nguyễn Tấn Quang Vinh - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối Thủ Đức - cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Tổ kiểm soát an toàn thực phẩm phối hợp Đội 2 - Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra sổ ghi chép nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh môi trường, nhắc nhở việc không sử dụng các hóa chất, chất bảo quản, chất phụ gia ngâm, tẩy trên trái cây, rau củ quả gây độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Các xe nhập chợ đều phải thực hiện đăng ký xuống hàng, kê khai lượng hàng nhập chợ và thông tin nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đối với hàng nội địa, chủ hàng, chủ xe cung cấp thư hàng có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa khi đăng ký xuống hàng nhập chợ. Đối với hàng ngoại nhập, chủ hàng, chủ xe phải xuất trình hợp đồng vận chuyển, giấy chứng nhận kiểm dịch và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tờ khai hải quan… nếu có đủ hồ sơ lô hàng thì mới được đăng ký xuống hàng nhập chợ”- ông Vinh cho biết thêm.
Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm kiểm tra tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức |
Được biết, chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức gồm 3 nhà lồng với 606 ô vựa kinh doanh ngành hàng rau, 696 ô vựa kinh doanh ngành hàng trái cây, 92 ô vựa kinh doanh ngành hoa tươi và 30 kiosque kinh doanh các ngành khác, chủ yếu là ngành hàng ăn uống… Bình quân mỗi ngày có 2.523 tấn rau, trái cây và hoa tươi nhập chợ. Đáng chú ý, qua các đợt tuyên truyền, giáo dục, trao đổi một số kiến thức cũng như các quy định xử phạt của Nhà nước có liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, đến nay, các thương nhân tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã ký cam kết không sử dụng hóa chất, chất phụ gia, chất tẩy trắng, chất bảo quản độc hại gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Tương tự, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, theo ông Lê Văn Tiển - Phó Giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ, thịt heo nhập chợ phải là thịt heo tươi, được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra của thú y đúng theo quy định và phải được Đội 9 - Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Ban quản lý Chợ kiểm tra trước khi vào chợ.
Hàng hóa tại chợ Hóc Môn có 95% là từ trong nước |
Hiện lượng hàng hóa nhập chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn bình quân đạt khoảng 2.320 tấn/ngày-đêm. Trong đó, thịt heo khoảng 335 tấn (tương đương 4.470 con), trái cây khoảng 360 tấn/ngày-đêm, rau củ khoảng 1.625 tấn/ngày-đêm. Hàng hóa nhập chợ có 95% trong nước, khoảng 4% là Trung Quốc và 1% là các nước khác.
Ông Tiển cho biết, để kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa Công ty đã phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố lấy mẫu kiểm tra, giám sát về việc sử dụng các hoạt chất cấm ngoài danh mục theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất, đặc biệt tăng cường vào những dịp cao điểm như lễ, Tết hoặc có nguy cơ cao. “Trong năm 2022, đã lấy 204 mẫu kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc (thịt heo), tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (rau, củ, quả), kết quả 100% mẫu âm tính”- ông Tiển nói.
Kiến nghị “dẹp loạn” điểm bán tự phát ngoài chợ
Bên cạnh những mặt tích cực, theo đại diện hai chợ đầu mối, xung quanh khu vực bên ngoài chợ vẫn xuất hiện ngày càng nhiều các điểm kinh doanh tự phát, không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ra nhiều bức xúc cho những thương nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, việc kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng đường, lề đường gây mất an ninh trật tự, cản trở giao thông, gây nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý chợ, mất công bằng đối với các thương nhân trong chợ…
Từ đó các chợ đầu mối kiến nghị cơ quan chức năng có những biện pháp nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng trong công tác an toàn thực phẩm. “Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giải quyết triệt để hơn việc kinh doanh không đúng quy định, công bằng”- ông Tiển nêu kiến nghị.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, sau dịch bệnh Covid-19 vấn đề bán hàng tự phát phát triển quá nhiều và chưa kiểm soát được tốt phần này. Bà Lan cho rằng cần có sự kiểm soát chặt hơn trong thời gian tới đối với những điểm bán hàng tự phát. Bà Lan cũng kêu gọi người dân và đặc biệt là tiểu thương ở các chợ truyền thống, khi đến chợ đầu mối mua hàng hãy vào chợ mua đàng hoàng, đúng ở sạp nào có hóa đơn, chứng từ.