Ngành điện TP. Hồ Chí Minh triển khai thanh toán tiền điện qua mã QR Code EVNHCMC thúc đẩy thanh toán tiền điện qua Mobile money |
Trên 99% khách hàng
Đẩy mạnh thực hiện triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, ngành điện TP. Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai các giải pháp gia tăng tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Đa số người dân TP. Hồ Chí Minh đã có thói quen thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt |
Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) - cho biết: Đến nay, ngành điện thành phố đã hợp tác với 23 ngân hàng và 11 đối tác trung gian hợp tác thu hộ tiền điện, với gần 72.000 điểm thu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như tại các điểm giao dịch của ngân hàng, cửa hàng tiện lợi, bưu cục, các siêu thị, cửa hàng điện thoại, điểm đặt máy ATM… Đặc biệt, Điện lực TP. Hồ Chí Minh rất chú trọng phát triển các kênh thanh toán điện tử như Internet/Mobile/SMS Banking hay trích nợ tự động hoặc qua website www.cskh.evnhcmc.vn; qua ví điện tử (Momo, Zalo pay, Viettet Pay...), thanh quá qua mã QR Code….
Cùng với đó, ngành Điện TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm mở rộng hợp tác với các đối tác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, như các chương trình hoàn tiền khi thanh toán tiền điện qua ví, giảm giá khi thanh toán tiền điện của ZaloPay, ViettelPay, VNPTPay... Đồng thời, tổng công ty cũng đã làm việc với các đơn vị thanh toán trung gian để tích hợp chức năng thanh toán tiền điện ngay trên ứng dụng Zalo của EVNHCMC hoặc thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế qua http://cskh.hcmpc.vn.
Với việc đa dạng hóa hình thức thanh toán và hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt, công tác thu hộ tiền điện của ngành điện đã đạt được những kết quả khả quan. Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện TP. Hồ Chí Minh, thành phố là đơn vị dẫn đầu trên cả nước khi có 99,60% khách hàng trả tiền điện qua các phương thức thanh toán điện tử.
Trong số hơn 2,3 triệu khách hàng, có gần 1,2 triệu khách hàng (hơn 50%) thanh toán qua các ví điện tử, còn lại là các dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Tính đến tháng 6/2022, số khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tăng rất mạnh so với cùng thời điểm năm 2021, điều này cho thấy khách hàng bắt đầu sử dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt qua các đơn vị trung gian thu hộ có xu thế ngày càng tăng lên.
Nhân viên Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện qua App EVNHCMC CSKH |
“Tổng hợp hình thức thanh toán tiền điện tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy có sự dịch chuyển nhanh chóng sang các hình thức không tiền mặt khi tỉ lệ thanh toán qua ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, trích nợ tự động... chiếm ưu thế” - ông Bùi Trung Kiên đánh giá.
Ghi nhận thực tế cho thấy, việc sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến và không sử dụng tiền mặt để thanh toán tiền điện vừa có ưu điểm nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của khách hàng và thời gian đăng ký được linh hoạt. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đây cũng là một giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, do hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tránh nguy cơ lây lan dịch.
Phấn đấu đến năm 2025 - 100% thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận việc triển khai áp dụng hình thức thanh toán tiền điện bằng các kênh thanh toán điện tử là xu hướng được lựa chọn của cuộc sống hiện đại. Do đó, ngành điện thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Để hiện thực hóa mục trên, tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phối hợp các đối tác thực hiện giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, các công ty điện lực dựa trên tập dữ liệu khách hàng thường xuyên thanh toán tiền mặt, vận động khách hàng đăng ký trích nợ tự động, mở ví điện tử. Noài ra, ngành điện tiếp tục làm việc với các đối tác trên địa bàn mình quản lý phối hợp quảng bá hình thức thu tiền điện bằng các kênh thanh toán điện tử. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục thỏa thuận, vận động các khách hàng đang trả tiền theo hình thức ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi chuyển sang các hình thức thanh toán chuyển khoản tự động để rút ngắn thời gian thanh toán…
Nhằm tiến tới việc thanh toán tiền điện 100% không sử dụng tiền mặt, bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện, theo ông Bùi Trung Kiên, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại. Cũng như các tổ chức thanh toán trung gian trong việc không ngừng tuyên truyền, nâng cao nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ... để đem đến sự tiện ích tốt nhất cho khách hàng thánh toán tiền điện qua hình thức không dùng tiền mặt.