Chiều ngày 4/3, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43); Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đến năm 2023 (Nghị quyết 57), Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 43 ra đời không chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến tác động của dịch Covid-19, mà còn giải quyết các tác động của suy giảm kinh tế thế giới, các vấn đề nội tại thuộc động lực tăng trưởng của từng địa phương. Tuy nhiên, phần chính sách thiết kế mới chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt, vi mô, chưa giải quyết được các vấn đề vĩ mô.
Trong điều kiện kinh tế thế giới đang phục hồi, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đề nghị cần tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam trong chuỗi kinh tế toàn cầu. Đồng thời, cần có chính sách chiến lược quốc gia có tính lan tỏa cao; trong đó, không chỉ là chính sách về tài chính, kinh tế mà cả trên lĩnh vực văn hóa – xã hội.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vietnamnet |
Với Nghị quyết 57, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận xét, việc thực hiện Nghị quyết 57 rất thành công. Nghị quyết này là cách tiếp cận giải quyết đặc thù các vấn đề lớn, TP. Hồ Chí Minh đã rút ngắn được thời gian, huy động lực lượng tham gia thực hiện dự án đường Vành đai 3. Đồng chí kiến nghị nên mạnh dạn có thêm các cơ chế, chính sách như Nghị quyết 57 để đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng của đất nước. TP. Hồ Chí Minh cũng nhận nhiệm vụ với vai trò đầu mối và vận dụng Nghị quyết 98 cùng các địa phương trong việc triển khai dự án đường Vành đai 3.
Thảo luận tại buổi giám sát, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nêu rõ, mục tiêu của Nghị quyết 43 là chấp nhận tăng bội chi một năm lên 1 - 1,2% nhằm phục hồi, phát triển nhanh trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng.
“Điều cần thiết là phải xác định mục tiêu nghị quyết này đưa ra đến nay đã đạt đến đâu và cần chỉ rõ nhóm chính sách cụ thể nào có đóng góp nhiều nhất, ít nhất đến sự khôi phục, phát triển”, ông Mạnh nêu ý kiến.
Liên quan đến việc thực hiện dự án đường Vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần đánh giá lại việc bố trí vốn, giải ngân cho dự án đã thật sự chặt chẽ chưa. Nhất là khi thành phố đang quyết liệt triển khai dự án đường Vành đai 4.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị TP. Hồ Chí Minh quán triệt các quan điểm, bám sát các chủ trương của các nghị quyết trong quá trình thực hiện.
Theo ông Hải, qua buổi giám sát, đoàn giám sát thấy rõ hơn những khó khăn vướng mắc của địa phương trong công tác phối hợp, thực hiện các nghị quyết. Đoàn cũng nhận ra những bất cập của một số chính sách trong quá trình triển khai. Đoàn sẽ kiến nghị các giải pháp cho tương lai nhưng cũng không hy vọng tất cả các chính sách sẽ tiếp tục được kéo dài. Mặt khác, cũng đã đến lúc phải chuẩn bị các nghị quyết, quyết sách khác phù hợp hơn.
“Riêng Nghị quyết 57 về đường Vành đai 3 phải tiếp tục thực hiện gắn với nghị quyết về cơ chế đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh”, ông Hải nhấn mạnh.
Từ buổi giám sát, ông Hải đề nghị TP. Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, báo cáo bổ sung gửi đoàn trước ngày 15/3 tới. Trong đó, đối với Nghị quyết 57 về dự án Vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục bổ sung đánh giá hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các địa phương; xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ và trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đề xuất cụ thể kiến nghị, giải pháp giải quyết để hoàn thành việc thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư...