TP. Hồ Chí Minh: Bàn giải pháp thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh
Sáng ngày 20/9, diễn ra Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 - Kỳ 2 với chủ đề “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức.
Gần 300 đại biểu là đại diện các cơ quan có thẩm quyền, luật sư, chuyên gia, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tham dự. Ảnh: Thanh Minh. |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phát triển kinh tế bền vững là mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến và Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng không nằm ngoài xu thế này.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh Giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể, thành phố xác định 14 nhóm nhiệm vụ chính nhấn mạnh đến yếu tố “xanh” trong phát triển, nổi bật trong đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Minh. |
Như vậy, TP. Hồ Chí Minh đã kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030, đã có cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 - đều là những hành lang cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển các dự án xanh tại thành phố. “Tuy nhiên, thành phố vẫn đau đáu rằng liệu với chính sách tạo điều kiện, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh có thuận lợi đối với nhà đầu tư không”, ông Võ Văn Hoan bày tỏ.
Tại diễn đàn luật sư, chuyên gia, các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo phân tích tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua. Đồng thời, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh TP. Hồ Chí Minh.
Luật sư, chuyên gia, các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng góp ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Minh. |
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu.
Dù vậy, tính đến hiện tại, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn còn là những cụm từ chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp; khung quy định cho lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng muốn làm nhưng không làm được hoặc làm nhưng bị trì hoãn do vướng. Không chỉ vậy, rủi ro hơn, việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến nhà đầu tư và nhà nước đều quan ngại.
TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Ảnh: Thanh Minh. |
“TP. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế khi được cho phép thí điểm cơ chế đặc thù, bao gồm cả đặc thù trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Tuy vậy, vì những rào cản chung của chính sách, quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 98 đối với lĩnh vực này gặp không ít thách thức”, TS. Trần Du Lịch đánh giá.
Do đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp cần phải cùng phối hợp trong việc nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp. Đồng thời, kỳ vọng các chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt về mặt pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo nhằm giúp quá trình đầu tư, vận hành diễn ra an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam, đánh giá cao trong việc phát triển năng lượng mặt trời cũng như những nỗ lực của thành phố trong việc thực hiện hóa những quy định thúc đẩy thu hút đầu tư xanh tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98/2023/QH15.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam). Ảnh: Thanh Minh. |
Về loại dự án, ông Nguyễn Xuân Thắng cho hay, hiện nay, nhà đầu tư dành phần nhiều quan tâm đối với dự án năng lượng mặt trời. Mặc dù TP. Hồ Chí Minh đã gặt hái được những phát triển tích cực trong việc phát triển năng lượng mặt trời nhưng vẫn còn những thách thức đang làm cản trở sự hợp tác hiệu quả giữa khu vực công và khu vực tư.
Một trong những khó khăn được ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra liên quan là thời gian kéo dài trong việc ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện các dự án điện mặt trời khi các quy định này vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Điều này, một mặt, gây bế tắc cho nhà đầu tư đang vận hành các dự án năng lượng mặt trời sau năm 2020; mặt khác lại tạo ra sự e ngại cho nhà đầu tư muốn triển khai các dự án mới trong thời gian tới.
Ngoài ra, Nghị quyết số 98 giới hạn trách nhiệm việc phân bổ ngân sách thành phố và việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà công cho UBND thành phố, điều này hạn chế sự tham gia của khu vực tư nhân... Do đó, việc tháo gỡ những hạn chế này sẽ không chỉ thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn năng lượng mặt trời mà còn giảm bớt gánh nặng tài chính và hành chính cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh.
Để giải quyết những thách thức trên, ông Thắng dẫn ra một số mô hình trong phát triển năng lượng mặt trời quốc tế thành công như tại một số quốc gia trên thế giới, như Singapore, Ấn Độ... để minh chứng và đề xuất Việt Nam cần cân nhắc áp dụng các mô hình này.
LS. Nguyễn Đức Minh - Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam). Ảnh: Thanh Minh. |
Ở góc độ pháp lý, LS. Nguyễn Đức Minh - Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam), đại diện Trưởng nhóm chuyên môn Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư - Kỳ II đã trình bày báo cáo về thực trạng vận dụng quy định pháp luật trong đầu tư dự án năng lượng tái tạo tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua.
Cùng với đó, có phân tích các quy định hiện hành và chỉ ra những mặt hạn chế trong khung khổ pháp lý, trong đó nối bật có thể kể đến đến sự cần thiết của một luật riêng điều chỉnh lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ngoài ra, hiện nay, các hợp đồng mua bán điện đều phải sử dụng theo mẫu và rất hạn chế sự thỏa thuận của các bên. Như vậy, trường hợp quyền lợi của các bên không ở vị trí cân bằng hoàn toàn có khả năng xảy ra...
Như vậy, TP. Hồ Chí Minh, với trợ lực từ Nghị quyết 98 cần có những bước đi quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn nhằm tận dụng những lợi thế từ cơ chế đặc thù. Theo đó, LS. Nguyễn Đức Minh đề xuất, thành phố cần sớm công bố danh mục dự án năng lượng tái tạo, cũng như có hướng dẫn rõ hơn về thủ tục, quy trình thực hiện dự án, ví dụ trong khâu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; phạm vi hợp tác đầu tư; hay chính sách ưu đãi.
Ở góc độ cơ quan quản lý địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã cập nhật về diễn biến triển khai dự án năng lượng tái tạo tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các vấn đề mà thành phố đang phải đối mặt khi phát triển các dự án xanh.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Minh. |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, là đô thị đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung đông dân cư, đồng nghĩa, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thành phố cũng rất lớn. Tuy vậy, với đặc thù về vị trí địa lý, thành phố không có thế mạnh để phát triển nhiều loại hình năng lượng đang được sử dụng rộng rãi tại nước ta hiện nay. Nhận biết được điểm hạn chế về quỹ đất cùng tận dụng những nguồn thế mạnh và cơ chế đặc thù Nghị quyết 98, TP. Hồ Chí Minh định hướng sẽ phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà và năng lượng điện từ chất thải rắn (rác thải) trong tương lai gần.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng đồng thời xem xét phát triển nguồn điện gió ngoài khơi trong tương lai khi các điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép. Để hướng đến tương lai này, chính quyền và nhà đầu tư cần cùng nhau nghiên cứu và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc để cùng thực hiện hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo tại Thành phố.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng cho rằng, chuyển đổi các nguồn năng lượng có lượng phát thải carbon cao sang các nguồn năng lượng tái tạo không chỉ mang lại cơ hội đầu tư cho các nhà phát triển năng lượng mà còn đảm bảo TP. Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, năng lượng tái tạo có tầm quan trọng của việc phát triển một đô thị hiện đại như TP. Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong phát triển kinh tế và sinh hoạt mà còn là một cơ hội để xây dựng một thành phố thông minh, xanh và phát triển bền vững.
Chính vì vậy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tin rằng có rất nhiều cơ hội đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế có thể chuyển đổi mô hình năng lượng, xây dựng TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững và hiện đại phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.