Để bảo vệ môi trường và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu tác động của rác thải đến môi trường.
Lượng rác thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn lên hệ thống thu gom và xử lý chất thải của tỉnh. Nếu không được quản lý tốt, rác thải sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và làm giảm đi vẻ đẹp của các điểm du lịch.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Các giải pháp được tập trung vào các khâu giúp người dân được tuyên truyền về tác hại của rác thải, ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc phân loại, thu gom rác thải đúng nơi quy định. Hệ thống thu gom rác thải được đầu tư nâng cấp, đảm bảo thu gom rác thải thường xuyên, đúng lịch. Các nhà máy xử lý rác thải được đầu tư hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường đặc biệt là tại các vùng đô thị, khu vực đông dân cư sinh sống, làm việc.
Các lực lượng chức năng và người dân thu gom rác thải ven biển. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa và phát triển du lịch nhanh chóng tại Quảng Ninh, huyện Vân Đồn đang đối mặt với thách thức lớn về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Để bảo vệ môi trường biển, một trong những tài sản quý giá của địa phương, Vân Đồn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xử lý hiệu quả lượng rác thải ngày càng tăng.
Với sự phát triển của các khu đô thị, khu du lịch mới, lượng rác thải rắn sinh hoạt tại Vân Đồn tăng đáng kể. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc quản lý chất thải để bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là các khu vực nuôi trồng thủy sản và bãi tắm du lịch.
Để giải quyết vấn đề này, huyện Vân Đồn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn triển khai việc phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Việc phân loại rác thải giúp giảm lượng rác thải cần xử lý và tạo điều kiện cho việc tái chế. Huyện Vân Đồn cũng khuyến khích các mô hình tái chế rác thải, đặc biệt là rác hữu cơ. Việc ủ phân vi sinh từ rác hữu cơ không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn tạo ra nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao cho cây trồng.
Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động “Ngày chủ Nhật xanh” để thu gom rác thải, làm sạch môi trường, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Các hoạt động tuyên truyền về quản lý chất thải rắn sinh hoạt được triển khai thường xuyên, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân loại, thu gom rác thải đúng cách.
“Hiện nay, huyện Vân Đồn triển khai thực hiện nhiều mô hình tự quản, mô hình kiểu mẫu về bảo vệ môi trường phù hợp với phong tục tập quán của từng địa bàn. Nhiều địa bàn khu dân cư đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, tạo thuận lợi cho việc thu gom, vận chuyển mang đi tiêu hủy hoặc tái chế sử dụng”, ông Đinh Đức Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vân Đồn, cho biết.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện các địa phương trong tỉnh đã thực hiện bố trí 884 điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, cơ bản đáp ứng nhu cầu tập kết tạm. Một số địa phương đã đầu tư trạm cân rác và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các xe chở rác nhằm kiểm soát chặt chẽ khối lượng thu gom, vận chuyển đưa vào khu vực xử lý rác theo quy định; đồng thời, thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẳng thắn thừa nhận việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn và chậm so với kế hoạch đề ra. Đến nay, chưa có địa phương nào triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ; chưa cung cấp được dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; còn thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định; công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu qua hình thức chôn lấp và đốt, ngoại trừ khu xử lý ở xã Quảng Nghĩa (Móng Cái) đã có đủ hạ tầng công nghệ; chưa ban hành các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý theo yêu cầu về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Để đảm bảo công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý được đồng bộ, tới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành khung cơ sở pháp lý về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời sẽ đôn đốc các địa phương tập trung nguồn lực hoàn thành quy hoạch, bố trí vị trí, mặt bằng, đầu tư xây dựng khu xử lý, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bố trí nguồn lực, đảm bảo lộ trình thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển theo quy định; hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đầu tư đồng bộ về phương tiện, thiết bị, công nghệ, hạ tầng. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn, từ đó hoàn thiện quy trình, làm cơ sở để triển khai thực hiện đồng loạt tại các địa bàn dân cư sau ngày 31/12/2024.
Theo thống kê của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ước khoảng 217.000 tấn. Trong đó, khối lượng tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý khoảng 158.000 tấn, đạt khoảng 97,5%; khối lượng khu vực nông thôn được thu gom, xử lý khoảng 51.000 tấn, đạt khoảng 94,5%; tỷ lệ thu gom, xử lý tại các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch đạt khoảng 98%. |