Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại
Sáng 6/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Ông Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực, được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao, trong đó, đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể như sau, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm tạo sự lan tỏa, kết nối liên vùng.
Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn lực lớn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, làm giảm bớt khó khăn của người dân, doanh nghiệp, nhiều chỉ số quan trọng được cải thiện đáng kể.
Trong lĩnh vực tài chính, việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công được nâng cao; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các chính sách tiền tệ được thực hiện chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; việc xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo khá hiệu quả, tình trạng thao túng ngân hàng từng bước được kiểm soát; việc xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tín dụng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được cải thiện.
Với lĩnh vực Công Thương, các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản được ban hành; các giải pháp bảo đảm cung ứng điện được quan tâm thực hiện. "Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa được quan tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả tích cực" - ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Còn trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thủy lợi, các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã được ban hành. Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được sắp xếp củng cố từ Trung ương đến các địa phương.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, đã ban hành đầy đủ các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng quốc gia cơ bản đáp ứng yêu cầu; việc triển khai thu phí không dừng đã thực hiện theo yêu cầu. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được tăng cường.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, trong lĩnh vực xây dựng, công tác rà soát, hoàn thiện pháp luật được triển khai, thực hiện; từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; các đề án, chương trình quản lý, phát triển đô thị được tích cực triển khai. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, nhà ở được triển khai và đạt được kết quả ban đầu.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chính sách, pháp luật về đất đai đang được hoàn thiện; đã ban hành một số quy chuẩn quốc gia về môi trường. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã có sự chuyển biến, góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, hoạt động chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực. Việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được đẩy mạnh; công tác quản lý báo chí được thực hiện hiệu quả.
Trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 được ban hành kịp thời. Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội phát triển trên phạm vi cả nước.
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều nhiệm vụ, giải pháp về việc xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được quan tâm, tập trung triển khai. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam được xây dựng; du lịch Việt Nam đã có sự cải thiện tích cực.
Còn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cơ chế, chính sách về quản lý, tài chính, phương thức đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được sửa đổi, hoàn thiện.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tiếp tục quan tâm sắp xếp mạng lưới trường, lớp; tiếp tục chú trọng đến việc đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường, lớp học. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được quan tâm đổi mới, bảo đảm sự minh bạch, khách quan, giảm tiêu cực.
Việc ban hành chính sách và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, tạo bước chuyển biến quan trọng về quy mô và chất lượng.
Trong lĩnh vực y tế, đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát thành công dịch COVID-19. Chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, xã hội hóa dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập, chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế được quan tâm sửa đổi, bổ sung.
Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được triển khai quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực. Việc điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng...