Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông Giáo sư Võ Tòng Xuân nói gì về kênh đào Funan Techo? |
Trước thông tin về dự án kênh đào Funan Techo (hay còn gọi là dự án kênh đào Phù Nam Techo) của Campuchia sẽ gây thiệt hại đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, dự án chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên ảnh hưởng nặng tới mức độ nào thì cần những con số để đánh giá.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng khoảng 40.000 km2, với hơn 17,4 triệu người, chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thủy sản nuôi trồng và đóng góp khoảng 17% GDP cả nước... Đây cũng là vùng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hạn mặn.
Việc Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo có thể khiến tình trạng thiếu hụt nước ảnh hưởng tới nhiều diện tích canh tác của vùng này vào mùa khô trong tương lai.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam |
Thực tế hiện nay, xâm nhập mặn đã diễn ra tại nhiều địa phương như Tiền Giang, Bến Tre…, gây nhiều khó khăn cho hoạt động trồng trọt, sinh hoạt và đời sống của người dân. Trong khi ở các tỉnh thượng nguồn của sông MeKong như Đồng Tháp, tình trạng hạn mặn ít hơn. Tuy nhiên, nếu phải chia sẻ nước ngọt với kênh đào Phù Nam này thì các tỉnh thượng nguồn sông Mekong của Việt Nam có thể sẽ bị nhiễm mặn nhiều hơn. “Mùa mưa thì không đáng lo ngại, tuy nhiên mùa khô chắc chắn nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, dự án chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên ảnh hưởng nặng tới mức độ nào thì cần những con số để đánh giá”, ông Nguyên cho biết.
Mặc dù vậy, ông Nguyên cũng cho rằng, ngay cả khi chưa có kênh đào này, tình trạng hạn mặn cũng đang diễn ra ở nhiều nơi. Do đó, về lâu dài, Việt Nam vẫn phải có một chiến lược cụ thể trong sử dụng nước, để có thể chủ động thích ứng trong mọi tình huống. “Chúng ta cần có giải pháp để sống chung với hạn mặn", ông Nguyên nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về các giải pháp, ông Nguyên cho rằng, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu các giống lúa thích ứng với vùng nước lợ. Cùng với đó, trong mùa hạn có thể xây dựng hệ thống lọc nước mặn để chuyển nước mặn thành nước ngọt, và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.
Theo ông Nguyên, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Isarel – quốc gia có tới 60% diện tích là sa mạc và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ hạn hán vào mùa hè. Trong bối cảnh đó, để thích ứng, quốc gia này đã xây dựng các nhà máy, sử dụng công nghệ để khử mặn nước biển. Được biết, Isarel cũng rất sẵn sàng chuyển giao công nghệ khử mặn này với các quốc gia khác.
Với các tỉnh ở vùng hạ lưu, cần xây dựng các cống, đập ngăn mặn. Cùng với đó là xây dựng các hồ, đập để trữ nước ngọt cho mùa hạn mặn. Thực tế, vào mùa mưa khu vực này thừa nước và toàn chảy ra biển. Hầu như ở khu vực này cũng không đặt vấn đề làm những hồ lớn để trữ nước, trong khi cánh đồng nào cũng là canh tác lúa. Do đó, đã đến lúc chúng ta cũng cần làm quy hoạch, chẳng hạn, trong bao nhiêu hécta thì sẽ cần một nơi làm hồ chứa nước.
“Để làm được những điều này, từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có quy hoạch, có phương án cụ thể và cùng nhau làm, còn nông dân hay chỉ một vài doanh nghiệp thì chúng ta không thể làm được”, ông Nguyên chia sẻ.