Theo ban tổ chức, hội thảo bao gồm các nội dung: Kết quả thực hiện hỗ trợ kỹ thuật và bổ sung về “Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia”; Kết quả thực hiện hỗ trợ kỹ thuật về “Đánh giá tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) và đề xuất chính sách thuế các-bon cho Việt Nam”.
Mục tiêu của hội thảo để trình bày các kết quả thực hiện và những pháp hiện chính của các hỗ trợ kỹ thuật thuộc ETP. Hội thảo cũng nhằm mục đích thảo luận và đón nhận những ý kiến của các chuyên gia về các khuyến nghị cũng như đề xuất với Việt Nam trong việc xây dựng chương trình làm mát xanh quốc gia nhằm thúc đẩy sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao và các-bon thấp. Đồng thời, tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực làm mát cũng như giảm tiểu tác động tiêu cực đối với chuyển dịch năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và phát triển các-bon thấp ở Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Linh Phạm |
Phát biểu khai mạc hội thảo ông John Cotton, Quản lý cấp cao của Chương trình ETP cho biết: “Sự có mặt của các bạn ngày hôm nay không chỉ thể hiện nỗ lực cống hiến trong việc giải quyết một thách thức quan trọng của thời đại mà còn thể hiện cam kết chung trong việc tạo ra một hướng đi bền vững trong bối cảnh không ngừng thay đổi và môi trường toàn cầu đầy thách thức”.
Bên cạnh đó, ông Cotton cũng chỉ ra những công trình mà các nhóm tư vấn đã hoàn thành cho đến nay, cụ thể: Báo cáo đánh giá tác động của CBAM là nghiên cứu đầu tiên ở châu Á về CBAM châu Âu, đề xuất các chiến lược thiết thực cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với cơ chế, khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế - xã hội, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh của đất nước.
Báo cáo đề xuất chính sách thuế các-bon cung cấp đánh giá có hệ thống về bối cảnh trong nước và kinh nghiệm quốc tế cùng đề xuất các giải pháp khác nhau cho chính phủ Việt Nam nhằm khử các-bon cho nền kinh tế thông qua khuyến khích đầu tư vào hiệu quả năng lượng và công nghệ các-bon thấp ở sản xuất công nghiệp.
Nghiên cứu chuyên sâu về làm mát xanh và nghiên cứu bước đầu về tài chính xanh đang đóng góp tích cực cho Chính phủ Việt Nam nhờ cơ sở dữ liệu toàn diện mới và toàn diện về lĩnh vực làm mát và các phân ngành và các buổi tham vấn và hội thảo với các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, học viện, khu vực công và tư nhân.
“Chúng tôi tin rằng nghiên cứu này cùng với nghiên cứu sắp tới của các đồng nghiệp tại Hội nghị Ủy ban kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) sẽ giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng Chương trình làm mát xanh toàn diện, thiết thực và hiệu quả trong năm nay”, Quản lý cấp cao của Chương trình ETP nhấn mạnh.
Bà Đặng Hồng Hạnh - Trưởng nhóm, Chuyên gia về Chính sách biến đổi khí hậu, Giám đốc Điều hành VNEEC. Ảnh: Linh Phạm |
Về “Chương trình làm mát xanh quốc gia: Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia” (NGCP), đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho hay, hỗ trợ kỹ thuật NGCP là hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ hợp tác chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính (KNK) tại Việt Nam trong biên bản ghi nhớ giữa Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS)/Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) vào ngày 21/6/2022.
Mục tiêu là để tiến hành nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để đánh giá hiện trạng lĩnh vực làm mát tại Việt Nam bao gồm công nghệ sẵn có, tình trạng thị trường và các chính sách trong nước/quốc tế;
“Dựa trên hiện trạng lĩnh vực làm mát, đề xuất xây dựng NGCP nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ hiệu quả năng lượng (HQNL) cao và các-bon thấp, đồng thời tăng cường tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong lĩnh vực/tiểu lĩnh vực làm mát”, đại diện VNEEC chỉ ra.
Về “Chương trình làm mát xanh quốc gia: Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia” về tài chính xanh, VNEEC cho biết, đây là một phần trong các hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình ETP cho Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mục tiêu là để rà soát khung pháp lý, tổ chức thể chế và các hiện trạng về quản lý tài chính xanh tại Việt Nam; Tiến hành tham vấn với các bên liên quan chính để xác định những khoảng trống về pháp lý, thể chế, thách thức thực tế trong quá trình triển khai tài chính xanh. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy các dự án xanh và các sáng kiến làm mát xanh, góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.
Báo cáo tại hội thảo VNEEC cho rằng, cần khoảng 21,7 tỷ USD để thực hiện giảm phát thải 15,8% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) (tương đương 146,3 triệu tấn CO2tđ). Cần khoảng 86,8 tỷ USD hỗ trợ từ quốc tế (dưới các hình thức viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ công nghệ và xây dựng năng lực) để giảm lượng phát thải lên đến 43,5% (tương đương với 403,7 triệu tấn CO2e) vào năm 2030.
Ông Đỗ Mạnh Toàn - Điều phối quốc gia tại Việt Nam của Quỹ ETP. Ảnh: Linh Phạm |
Cùng với đó thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) đã được xây dựng nhằm huy động 15,5 tỷ USD, chủ yếu là các khoản vay thương mại với lãi suất thị trường, trong vòng 3-5 năm để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào than đá.
Trong khi đó, đối với hỗ trợ kỹ thuật về hỗ trợ kỹ thuật về “Đánh giá tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU và đề xuất chính sách thuế các-bon cho Việt Nam”, đại diện nhóm tư vấn Công ty TNHH Kiến tạo Khí hậu Xanh (GreenCIC) cho biết, mục tiêu của chương trình là đánh giá và tính toán các tác động của CBAM lên các sản phẩm xuất khẩu, chuyển dịch năng lượng, toàn bộ nền kinh tế và việc thực hiện Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; Phân tích các vấn đề liên quan đến việc hình thành thị trường các-bon trong nước và việc xây dựng chính sách thuế các-bon ở Việt Nam; Đưa ra khuyến nghị nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đánh giá tính phù hợp và xây dựng lộ trình, chính sách thuế các-bon cho Việt Nam.
“Trong bối cảnh CBAM của EU được đề xuất và đã bắt đầu giai đoạn thí điểm từ tháng 10/2023, cũng như Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và dự kiến thí điểm vào năm 2025, hỗ trợ kỹ thuật đã cung cấp một đánh giá toàn diện về tác động tiềm năng của CBAM, đưa ra những khuyến nghị về chính sách và cho doanh nghiệp nhằm chuẩn bị ứng phó, cũng như nghiên cứu và đưa ra các đề xuất về chính sách thuế các-bon nhằm giảm nhẹ tác động của CBAM”, GreenCIC đánh giá.
Tuy nhiên, theo GreenCIC, dù ở thời điểm hiện tại ảnh hưởng của CBAM không đáng kể, nhưng Việt Nam cần chủ động ứng phó với CBAM và chuẩn bị trong trường hợp CBAM được mở rộng hoặc được các quốc gia khác áp dụng. Một trong những biện pháp không chỉ giúp Việt Nam giảm tác động của CBAM mà còn thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải hướng tới mục tiêu của NDC và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam là áp dụng định giá các-bon.
“Cần có các nghiên cứu tiếp theo nhằm đánh giá chuyên sâu hơn các kết quả của nghiên cứu hiện tại”, GreenCIC nhấn mạnh.