Công nhân túc trực tại Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG để bảo vệ tài sản, chờ hướng giải quyết vụ việc. Ảnh: Hương Hân |
Công nhân điêu đứng vì bị nợ lương
Sáng 9/11, hàng chục công nhân có mặt tại trụ sở Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG, tỉnh Bắc Giang. Phần nhiều trong số đó nhà gần công ty, lại chưa tìm được việc mới nên đến canh không cho công ty di dời tài sản. Vào ban đêm, sẽ có 2-3 công nhân nam túc trực ở cổng, đến sáng sớm, họ vẫn chưa quay về nhà.
Một công nhân nam trao đổi với PV: “Chúng tôi xuyên đêm túc trực ở đây vì sợ công ty sẽ bán hết tài sản. Nếu chủ doanh nghiệp không quay trở lại, còn chút tài sản có thể bù đắp được đồng nào hay đồng đó cho anh chị em công nhân”.
Chị Hoàng Thị Mai (sinh năm 1978) ngồi bần thần, khuôn mặt căng thẳng. Bị nợ số tiền mồ hôi, nước mắt mà không biết khi nào được trả, chị Mai vô cùng lo lắng. Nữ công nhân này nhẩm tính, trong tháng 9/2023, chị tăng ca nhiều, được khoảng 13 triệu đồng. Tháng 10 tuy chưa chốt công nhưng theo tính toán, số tiền lương khoảng 10 triệu đồng. Trừ 5 triệu đồng công ty đã thanh toán, số tiền lương chị bị nợ khoảng 18 triệu đồng.
“Thu nhập của cả gia đình tôi hoàn toàn phụ thuộc vào lương công nhân của tôi. Việc bị nợ lương khiến cả gia đình rất khó khăn. Chồng tôi mới đi làm, thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng, trong khi phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Vừa rồi, trường kêu đóng phí cho con mà tôi chưa xoay xở được” - chị Mai than thở.
Theo nữ công nhân, là người làm công ăn lương, thu nhập của chị tháng nào hết tháng đó, gần như không để được ra đồng nào. Không chỉ vậy, khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội 23 năm 10 tháng của chị đang bị treo do công ty nợ đóng. “Tôi rất lo lắng, không biết có thể chốt được sổ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi hay không” - nữ công nhân có 11 năm làm việc tại công ty nói.
Cũng có mặt vào sáng 9/11 trước cổng công ty, chị Tạ Thị Vân (38 tuổi) lo lắng khi một mình chị gánh cả kinh tế của gia đình. Chị bị nợ hơn 1 tháng lương và 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Làm việc ở công ty 17 năm, chị Vân sợ rằng công sức bỏ ra đằng đẵng khó được hưởng lương hưu.
Những ngày này, chị Vân chạy vạy đi xin việc nhưng chưa có phản hồi. “Ở tuổi trung niên đi xin việc khá khó khăn, ngày nào tôi cũng đến công ty xem tình hình thế nào. Chỉ hy vọng, chúng tôi sớm được chi trả quyền lợi” - chị Vân bần thần nói.
Nợ hàng tỉ đồng tiền lương, bảo hiểm xã hội
Ông Đỗ Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Việt Yên - cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, LĐLĐ huyện đã cùng các cơ quan chức năng phối hợp tuyên truyền tới công đoàn cơ sở công ty, đoàn viên, người lao động, kêu gọi công nhân lao động bình tĩnh, tránh kích động.
Ngày 3/11, Ủy ban nhân dân huyện đã yêu cầu đến hết ngày 10/11, một phó giám đốc người Việt của công ty phải kết nối với tổng giám đốc, phó tổng giám đốc người Hàn Quốc để giải quyết vụ việc. Chiều 9/11, các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục có buổi họp để bàn hướng giải quyết. Để hỗ trợ công nhân, LĐLĐ huyện đề nghị các doanh nghiệp lân cận tạo điều kiện tuyển dụng lao động của công ty.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Việt Yên vào ngày 3/11, UBND huyện nhận được thông tin của công nhân Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG cho biết, công ty chậm trả một phần tiền lương tháng 9/2023 và tiền lương tháng 10/2023, chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội cho công nhân từ tháng 3/2023 đến nay. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan: Công an huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, Ủy ban nhân dân thị trấn Bích Động xuống nắm bắt tình hình.
Theo đó, Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG sử dụng khoảng 220 lao động, tham gia đóng bảo hiểm cho 217 lao động người Việt Nam. Hiện công ty đang nợ một phần lương công nhân tháng 9/2023 khoảng 1 tỉ đồng và lương tháng 10/2023 khoảng 2,7 tỉ đồng.
Công ty đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hết tháng 2/2023, đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc hết tháng 8/2023; hiện nợ đóng các loại bảo hiểm số tiền 2,5 tỉ đồng.