Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp, trang bị cho các doanh nghiệp tầm nhìn, kỹ năng, công cụ về thương mại điên tử.
Sau TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang, đây là lần thứ 3 liên tiếp Novaon Tech được kết hợp cùng Sở Công Thương các tỉnh nhằm tổ chức hội thảo hỗ trợ các doanh nghiệp xác định chiến lược, phương pháp tối ưu hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, chiếm khoảng 7% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng đã tăng lên khoảng 90% (năm 2019 là 77%) với ước tính giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của mỗi người tiêu dùng là 270 USD. “Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được hiệu quả tích cực khi tham gia vào TMĐT. Có nhiều nguyên nhân và một trong số đó là chưa có hoặc có chiến lược chưa phù hợp khi tham gia vào TMĐT” - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định.
Cũng tại hội thảo, cộng đồng doanh nghiệp đã nhận được những lời khuyên và chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia tới từ các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số về: Chiến lược Digital Marketing cho hoạt động kinh doanh trên TMĐT; Tối ưu website bán hàng TMĐT cho doanh nghiệp SME; Giải pháp Marketing Automation giúp tăng trưởng doanh thu. Các nội dung này được dẫn chứng từ nhiều case study thành công như thương hiệu thời trang Owen, Toyota, TH True Milk, điện máy Thiên Hòa….
Chia sẻ về các phương pháp và chiến thuật tối ưu website bán hàng TMĐT, anh Tình Nguyễn, Co-founder Ladipage Việt Nam chỉ ra rằng: “Cá nhân hóa trải nghiệm là một chìa khoá khẳng định sự thành công của các cửa hàng online”. Theo anh Tình, để cải thiện và gia tăng trải nghiệm khách hàng khi truy cập vào các website, landing page, doanh nghiệp cần cải thiện tốc độ phản hồi và tốc độ tải trang nhanh nhất. Đồng thời, cần có phương pháp giao tiếp khách hàng đa kênh thông qua các công cụ marketing automation.
Các vị diễn giả cũng khẳng định, việc ứng dụng TMĐT là rất quan trọng và cần thiết để doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu suất bán hàng, tiết kiệm chi phí, nâng cao doanh thu. Quan trọng nhất, để tiến trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và thành công, cần có sự quyết tâm, định hướng đúng đắn của những người đứng đầu đơn vị. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đề cập tới những vấn đề, khó khăn còn tồn đọng nội tại. Những câu hỏi về cách thức triển khai tự động hóa marketing; bán hàng đa kênh hiệu quả;... được các đại diện doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, đại diện phía Công ty Cổ phần Hạt Hoa Lâm - chuyên phân phối và nhập khẩu các loại hạt dinh dưỡng và trà hoa, bày tỏ những trở ngại mà doanh nghiệp đang gặp phải khi triển khai mở rộng bán hàng trên sàn TMĐT. Các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên về cách thức phân loại tệp khách hàng, chiến lược tối ưu hoá sản phẩm,... nhằm tháo gỡ khúc mắc mà doanh nghiệp gặp phải.
Hội thảo “Chiến lược tối ưu hiệu quả hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp SME” là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có điều kiện cập nhật những xu hướng mới về TMĐT. Đồng thời cũng là dịp để tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực TMĐT trên cả nước. Đây đều là những giá trị thực tiễn mà các doanh nghiệp nhận được khi tới tham dự sự kiện lần này.