Thời gian qua, phát huy chức năng, nhiệm vụ được giao, các tổ chức xã hội đã tích cực tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dần khẳng định vai trò là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước và “cầu nối” giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đặc biệt, với mạng lưới 56 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được diễn ra liên tục, ngày càng chuyên nghiệp, bám sát với tình hình địa phương. Một số tỉnh đã đưa công tác giải quyết khiếu nại người tiêu dùng xuống tận các hội, chi hội cấp huyện để sát với người tiêu dùng hơn, thuận tiện hơn cho người tiêu dùng nông thôn. Một số hội tỉnh đã duy trì đường dây nóng 24/24 tư vấn giải quyết khiếu nại, tạo điều kiện hết sức thuận tiện và nhanh chóng cho người tiêu dùng.
Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng” |
Vậy thời gian vừa qua, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của các tổ chức xã hội mang lại hiệu quả ra sao? Giải pháp nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này? Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp tại Chương trình Chính sách và Đối thoại của Báo Công Thương với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng”. Thời gian 9h00 thứ Ba ngày 15/3/2022 tại Studio Báo Công Thương, tầng 10, tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Toạ đàm sẽ có sự tham gia của ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương); ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch - kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tọa đàm sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và phát trực tuyến trên Báo Công Thương điện tử Congthuong.vn và Fanpage Báo Công Thương.