Từ chủ trương “hiện đại hoá” doanh nghiệp…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhất là Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025”, ngay từ năm 2016, TKV đã xây dựng nghị quyết và chương trình hành động ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa (CGH, TĐH, THH) vào sản xuất, kinh doanh (SX-KD), quản lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động… hướng đến xây dựng các “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”.
Nhờ đổi mới, hiện đại hoá công nghệ, năng suất lao động tổng hợp tính theo doanh thu của ngành than liên tục tăng, năm 2019 đạt 1,27 tỉ đồng/người năm, bằng 107,6% so với thực hiện năm 2018 |
Và 2019 được xem là năm “gặt hái” thành quả từ những chủ trương, định hướng lớn nói trên với sự tăng trưởng cao của hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật. Cụ thể, về ứng dụng CGH khai thác hầm lò, sau nhiều năm đầu tư, đến năm 2019, TKV đã nâng số lò chợ áp dụng khấu than bằng máy combain đạt cao nhất từ trước đến nay, điển hình như lò chợ công suất tới 1.200.000 tấn/năm tại Công ty CP than Hà Lầm, tương đương với một mỏ than hầm lò có tới trên 2.000 lao động.
Nếu như cách đây 5 năm, sản lượng than khai thác hầm lò của TKV bằng công nghệ CGH chỉ ở mức 2%, thì nay đã đạt gần 13% trong tổng số sản lượng khai thác hàng năm. Con số này đang tiếp tục được tăng cao, năm 2019 đạt trên 15% và dự kiến sau năm 2020 sẽ tăng từ 3% đến 5% mỗi năm. Cùng đó, hiện các đơn vị đều đã áp dụng chống lò bằng cột thủy lực, giá khung di động, giàn chống tự hành hiện đại, an toàn… giúp giảm lao động nhưng vẫn tăng sản lượng. Trong lĩnh vực TĐH, THH, Tập đoàn TKV và các đơn vị đã ứng dụng nhiều công nghệ thay thế con người, như: hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động; hệ thống quản lý khí mỏ, hầm bơm nước tự động; hệ thống quản lý nhân lực ra vào lò; hệ thống quản lý, đo đếm phương tiện kho bãi tự động; các hệ thống vận hành thiết bị băng tải, máy cào liên động; hệ thống quan trắc môi trường tự động; các phần mềm quản lý nhân sự, dự báo tâm lý an toàn, sức khoẻ cho người lao động mỏ hầm lò; các ứng dụng về chuyên môn (phần mềm thiết kế, giám sát, trắc địa địa chất...); phần mềm kế toán, tài chính, công văn, hóa đơn điện tử…
Với khối sản xuất cơ khí, TKV đã từng bước đầu tư phát triển theo hướng hiện đại hóa công tác sửa chữa và chế tạo thiết bị. Hiện nay, khối này đã làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được nhiều sản phẩm cơ khí chủ lực thay thế nhập khẩu, như: Các loại vì chống thủy lực, giàn chống, giá chống, giàn mềm; các loại băng tải sử dụng trong mỏ; tời cáp treo chở người; thiết bị sàng tuyển…
Lãnh đạo Tập đoàn TKV thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác hiện đại hoá, cơ giới hoá, tự động hoá tại các đơn vị thành viên |
Đặc biệt, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chuyên sâu về vận hành, quản trị hệ thống CNTT, TKV đã phối hợp với nhiều đối tác nước ngoài, như: Nhật Bản, Nga, Trung Quốc… để tổ chức đào tạo. Điển hình, năm 2018, có 1.797 tu nghiệp sinh của TKV được cử sang Nhật Bản học tập và trên 80 nghìn lượt người lao động của TKV được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, đào tạo tại Việt Nam. Riêng năm 2019, 70 cán bộ được TKV cử sang Nhật học tập…
… đến những “trái ngọt”
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu công nghệ, TKV không chỉ duy trì được nhịp độ sản xuất ở mức cao, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu than cho nền kinh tế, nhất là than cho cho sản xuất điện mà còn tạo tăng trưởng ấn tượng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2019, tốc độ tăng trưởng của TKV đạt 15%, cao nhất trong khối ngành công nghiệp, trong đó chỉ tiêu ấn tượng nhất là trong khi tổng số lao động giảm, bộ máy ngày càng tinh gọn thì sản lượng tăng, năng suất lao động, tiền lương thu nhập toàn Tập đoàn liên tục tăng cao. Nếu 5 năm trước, toàn Tập đoàn có tổng số lao động lên đến gần 140 nghìn người, thì nay, TKV còn 98 nghìn lao động, nhưng tổng sản lượng khai thác than của TKV vẫn giữ “phong độ” với khoảng 40 triệu tấn/năm và nhiều sản phẩm khoáng sản, alumin, vật liệu nổ công nghiệp, điện, cơ khí… cũng liên tục tăng trưởng, mang lại tổng giá trị doanh thu của TKV hiện nay đạt gần 130 ngàn tỷ đồng/năm.
Riêng năm 2019, TKV đã sản xuất trên 40,5 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 44 triệu tấn, cao nhất tính từ năm 2014 đến nay, trong đó, than tiêu thụ trong nước đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, sản xuất Alumin quy đổi đạt 1,36 triệu tấn, vượt 5% công suất thiết kế. Sản xuất điện đạt 9,8 tỉ kWh… Năm 2019, doanh thu toàn tập đoàn đạt trên 130.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 18.400 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với năm 2016.
Nhờ thực hiện hiệu quả chủ trương “3 hoá”, đời sống vật chất, tinh thân của thợ mỏ ngày càng được nâng cao |
Cùng với sự tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, quan trọng, từ chủ trương “3 hoá”, năng suất lao động tổng hợp tính theo doanh thu của ngành than đã đạt 1,27 tỉ đồng/người năm, bằng 107,6% so với thực hiện năm 2018, kéo theo thu nhập bình quân của người lao động tăng 6-7% so với thực hiện năm 2018. Năm 2019, thu nhập trung bình tập đoàn là 11,82 triệu đồng/người/tháng. Riêng với công nhân hầm lò thu nhập ngày công bình quân đạt 1 triệu/ngày, về trước so với Nghị quyết của Tập đoàn đề ra 1 năm. Số thợ mỏ có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ngày một đông đảo và đã bắt đầu có nhiều thợ mỏ có mức thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Đây là yếu tố quan trọng để ngành than có điều kiện thực hiện nhiều hơn nữa những chính sách chăm lo tốt đời sống, quyền lợi cho người lao động, để thợ mỏ yên tâm gắn bó với TKV, với ngành than - một ngành lao động đặc thù rất vinh quang nhưng vô cùng vất vả.