Đẩy nhanh tiến độ các công trình bảo vệ môi trường khu vực Đông Triều, Uông Bí TKV: Nâng cao hiệu quả các lĩnh vực quản lý kinh tế tổng hợp Ngành than nỗ lực xử lý chất thải sau khai thác |
Nhằm góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 và mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam tại báo cáo Quốc gia tự quyết định 2022 (NDC), kế hoạch thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam tại Quy hoạch điện VIII… Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Xây dựng kế hoạch hành động
Ông Nguyễn Mạnh Chuyền- Phó Trưởng ban Môi trường- TKV cho biết: Để góp phần thực hiện các mục tiêu trên, hiện TKV đang triển khai xây dựng “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, định hướng tới 2050”. Điều này cũng giúp TKV chủ động trong việc quản lý, kiểm soát và giảm thiểu phát thải; chuyển đổi và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; giảm thiểu tác động gây suy thoái môi trường và chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
TKV nâng cao hiệu quả hấp thụ của các bể hấp thụ KNK thông qua tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh các bãi thải, các vùng đất trống trên toàn bộ diện tích mỏ (Ảnh: Thu Hường) |
Theo đó, TKV sẽ tổ chức rà soát, nâng cao hiệu quả hấp thụ của các bể hấp thụ KNK thông qua tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh các bãi thải, các vùng đất trống trên toàn bộ diện tích mỏ. Thực hiện tốt công tác chăm sóc để duy trì và nâng cao hiệu quả hấp thụ carbon của diện tích rừng trồng.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả của công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải và giảm thiểu phát thải nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải KNK do công đoạn xử lý chất thải và khai thác tài nguyên mới.
Thể chế hóa tiết kiệm năng lượng, chuyển từ tự giác mà không hiệu quả sang bắt buộc thực hiện; Thay thế các loại bóng đèn sợi đốt bằng đèn led, sử dụng các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, sử dụng các thiết bị biến tần, khởi động mềm, tiết kiệm tài nguyên.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của TKV nhằm nâng cao hơn nữa tính chủ động và nhận thức của cán bộ, người lao động trong công tác phòng chống thiên tai.
TKV đầu tư xây dựng các đê, đập chắn đất đá chân bãi thải để tạo vành đai an toàn, phòng chống sạt lở, trôi trượt đất đá tại các bãi thải tại khu vực Cẩm Phả (Ảnh: Thu Hường) |
‘Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức tốt công tác củng cố đê đập, nạo vét thường xuyên hố lắng trước đập để đảm bảo hiệu quả tích chứa đất đá trôi, ngăn chặn hiện tượng bồi lấp, nhất là hệ thống đập các hồ thải quặng đuôi sau tuyển. Cùng với đó, rà soát thiết kế, kiểm tra thực tế để có các giải pháp đảm bảo an toàn. Đầu tư xây dựng các đê, đập chắn đất đá chân bãi thải để tạo vành đai an toàn, phòng chống sạt lở, trôi trượt đất đá tại các bãi thải; hàng năm quản lý đảm bảo các yêu cầu về BVMT đối với trên 150 triệu m3 đất đá các theo cam kết được phê duyệt tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Phương án cải tạo, phục hồi môi trường (CPM)’- ông Nguyễn Mạnh Chuyền cho biết.
Ngoài ra, TKV luôn chú trọng việc tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, làm nòng cốt cho việc chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn để chủ động ứng phó khi có tình huống cấp bách xảy ra.
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ khí nhà kính, được biết TKV sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm tìm kiếm cơ hội đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của TKV.
TKV xây dựng hệ thống nước thải mỏ hiện đại, đồng bộ |
Hiện TKV đã triển khai nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế như với Viện độc lập các vấn đề môi trường (UfU - CHLB Đức) để nghiên cứu trồng thử nghiệm cây năng lượng tại khu vực mỏ Tân Rai - LDA, phục vụ cho việc nghiên cứu sản xuất nhiên liệu sinh học); Phối hợp với NACAG (nhóm Hành động Khí hậu về Axit Nitơric) trong nỗ lực mới nhằm khuyến khích sự chuyển đổi dài hạn ngành sản xuất axit nitric do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân của Cộng hòa Liên bang Đức (BMU) thành lập nhằm hỗ trợ kỹ thuật về mặt công nghệ và tài chính liên qua cắt giảm N2O trong vận hành nhà máy Nitrat Amon Thái Bình - Tổng công ty Hóa chất mỏ - Vinacomin.
Song song với đó, tập đoàn cũng đã phối hợp với nhóm đối tác quốc tế (IPG) dưới sự chủ trì của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án thử nghiệm công nghệ khí hoá than, thu hồi, chôn lấp các-bon tại các vỉa than ngầm bể sông Hồng khu vực ngoài đê trên cơ sở các dự án đầu tư triển khai Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Mạnh Chuyền, để có thể thực hiện tốt lộ trình phát triển sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050, theo đại diện của TKV, nếu chỉ nỗ lực từ nội tại mỗi doanh nghiệp là không đủ, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để trung hòa, thu hồi và chôn lấp carbon, quá đó hình thành cơ sở kỹ thuật triển khai rộng rãi các giải pháp giảm phát thải ròng và trung hòa carbon theo lộ trình cam kết; hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển đổi nhiên liệu từ công nghệ cho tới nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng tiến độ theo lộ trình cam kết và yêu cầu về giảm phát thải của các tổ chức quốc tế/khu vực/quốc gia liên quan.
Cùng với đó, minh bạch trong tổ chức và xây dựng thị trường carbon để có sự công bằng trong phân bổ hạn ngạch phát thải.