Phát triển cơ khí chế tạo là cần thiết để nâng cao năng lực khai thác ngành Than
Đẩy mạnh chế biến sâu
Ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng giám đốc TKV - cho biết: do ngày càng khai thác xuống sâu, áp lực mỏ lớn, khí và nước nhiều, các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động, môi trường tăng cao, cung độ vận chuyển và hệ số đất cũng tăng dẫn đến giá thành cao.
Năm 2015, TKV đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là “Nâng cao năng lực, năng suất lao động”. Theo đó, tập trung tăng cường công tác chế biến sâu đất đá lẫn than có giá thành thấp để tăng doanh thu và lợi nhuận; tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ, tập trung huy động các diện có điều kiện tốt hơn để giảm áp lực giá thành, tăng tỷ lệ thu hồi, giảm tổn thất than. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện công tác điều hành sản xuất, tăng cường quản trị, tiết giảm các định mức vật tư, phụ tùng sửa chữa thường xuyên, chi phí quản lý, sản xuất chung… tạo văn hóa chi tiêu tiết kiệm trong mọi lĩnh vực.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm, kiểm soát chặt chẽ chi phí từ đầu vào đến đầu ra ở tất cả các công đoạn sản xuất - kinh doanh đã góp phần quan trọng giúp TKV đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. 4 tháng đầu năm, tập đoàn đã sản xuất 14,5 triệu tấn than nguyên khai, đạt 35,6% kế hoạch năm, bằng 105,5% so với cùng kỳ năm 2014. Than tiêu thụ đạt 11,4 triệu tấn, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2014. Bóc xúc 66 triệu m3 đất đá, đào 87.600m lò... Doanh thu toàn TKV đạt 36.250 tỷ đồng, bằng 31,8% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu than đạt 17.187 tỷ đồng, sản xuất, bán điện 4.167 tỷ đồng, sản xuất cơ khí thực hiện 886 tỷ đồng...
Công nghệ - vấn đề quyết định
Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của tập đoàn giai đoạn đến năm 2020 thì vấn đề công nghệ là quyết định. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cần có quá trình, liên quan đến quy hoạch, thiết kế theo các điều kiện cụ thể như chất lượng vỉa than, điều kiện địa chất của vỉa… Việc cơ giới hóa cũng cần phải được xem xét thận trọng, không thể đầu tư theo phong trào.
Trước mắt, để tăng tốc độ đào lò và khai thác than hiệu quả, TKV cần có các giải pháp phát triển công nghệ phụ trợ, đặc biệt là cơ khí chế tạo. Hiện nay, phần lớn các thiết bị đều nhập từ nước ngoài, khi xảy ra sự cố phải chờ đợi thiết bị rất mất thời gian, ảnh hưởng đến năng suất. Trong đào lò cần phải băng tải hóa công tác vận tải phía sau, đồng bộ thiết bị vận tải.
Bên cạnh đó, tiết kiệm điện cũng là yếu tố quan trọng, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc ứng dụng các dòng sản phẩm công nghệ tiên tiến, tiết kiệm điện năng, điều quan trọng hàng đầu vẫn là phải kết hợp với áp dụng kỹ thuật khai thác phù hợp, đồng bộ.
Ông Trần Văn Cừ - Trưởng Ban Tổ chức nhân sự TKV - nhấn mạnh: “Để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, các đơn vị cần nâng cao năng lực tự làm; các công trình cân đối đủ vốn trước khi đầu tư; phối hợp nhịp nhàng các khâu trong sản xuất; giảm thời gian ách tắc sản xuất; giảm hao phí lao động không phục vụ lợi ích số đông; xem xét các quy trình giao nhận than phù hợp…”.
Ông Nguyễn Trọng Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP than Vàng Danh: Hiện nay, các khâu trong đào lò làm rất tốt nhưng công tác vận tải đất đá, than lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu đồng bộ tốt, việc đào lò trên 100m/tháng là hoàn toàn làm được. |