Yên Bái: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực |
Đa dạng giải pháp
Theo thống kê năm 2021, lượt khách du lịch của tỉnh Yên Bái đạt trên 88% kế hoạch. Việc sụt giảm khách du lịch là do những khó khăn, thách thức mà ngành du lịch của tỉnh phải gánh chịu bởi sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái thực hiện nghi thức phát động kích cầu du lịch |
Tuy nhiên, năm 2021, ngành du lịch Yên Bái cũng có nhiều điểm sáng điển hình như “Nghệ thuật xòe Thái” đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, tỉnh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải của Thủ tướng Chính phủ và Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong thời điểm vẫn chịu tác động của đại dịch, ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về phục hồi và phát triển du lịch năm 2022 với các chương trình, giải pháp nhằm kích cầu, đẩy mạnh các hoạt động du lịch trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới với chủ đề “Yên Bái - điểm đến an toàn, hấp dẫn và ấn tượng”.
Khởi động là Hội nghị kích cầu phát triển du lịch “Yên Bái - điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” đã ghi dấu một sự kiện quan trọng, được tổ chức đúng thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch quốc tế. Hội nghị chính thức phát “hiệu lệnh” kích hoạt toàn bộ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó điểm nhấn “mở màn” quan trọng đầu tiên là các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Kết hợp linh hoạt xu hướng “du lịch 4.0”
Phát huy vai trò kết nối giá trị của công nghệ kỹ thuật số “du lịch 4.0” và du lịch trở về với thiên nhiên “du lịch 0.4”, tỉnh Yên Bái kết hợp linh hoạt hai xu hướng trên nhằm mang tới cho du khách các sản phẩm đón đầu xu hướng du lịch sau dịch Covid-19 thông qua tận dụng tối đa, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với văn hóa bản địa đặc sắc, đặc biệt là chủ trương phát triển du lịch xanh của tỉnh.Điển hình, tại tuyến phố đi bộ Hào Gia (thành phố Yên Bái) đã diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc; biểu diễn nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật đương đại...
Thị xã Nghĩa Lộ tổ chức nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các thôn, bản, khu di tích lịch sử - văn hóa kết hợp tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống; khám phá thiên nhiên và những hoạt động trải nghiệm; Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt “Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” nhằm giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh đất và người Yên Bái, những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của các dân tộc trong tỉnh. Khi đến với Mù Cang Chải, du khách không chỉ đắm say với ruộng bậc thang long lanh như gương trời mùa nước đổ mà còn được nghỉ ngơi, thư giãn tại các khu nghỉ dưỡng, thưởng thức những món ăn đặc sắc.
Các địa phương khác cũng đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động như: Đêm tiệc trà - Không gian văn hóa Trà tại xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn); du lịch cộng đồng tại chòm Cu Vai, xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu)...
Cuối năm 2022, tỉnh Yên Bái dự kiến tổ chức các hoạt động du lịch tại từng địa phương như: Giải đua xe đạp thị xã Nghĩa Lộ mở rộng “Hành trình trải nghiệm thung lũng Mường Lò”; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”; lễ hội đua thuyền “Âm vang hồ Thác” tại huyện Yên Bình; khởi động hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa (huyện Trạm Tấu)… Tất cả các hoạt động nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi đến với Yên Bái. |