Vĩnh Phúc: Sẵn sàng đón người dân địa phương từ vùng dịch về quê Lý do nào giúp Vĩnh Phúc đạt Top 5 PCI 2021? Tỉnh Vĩnh Phúc chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại mưa lũ |
Nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào địa phương, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 23/6 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Honda là một trong những doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc từ rất sớm |
Dự kiến, Hội nghị sẽ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và trên 100 doanh nghiệp. Hội nghị dự kiến mời 850 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ thăm quan khu công nghiệp, doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Phúc; thăm quan các gian hàng giới thiệu quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh, tiềm năng lợi thế đầu tư, cũng như thành tựu hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản và giữa Vĩnh Phúc với các địa phương của Nhật Bản. Đồng thời tổ chức trao đổi, giới thiệu, xúc tiến đầu tư, ký kết các biên bản ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác đầu tư…
Nhật Bản hiện là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư tại Vĩnh Phúc (sau Hàn Quốc) với gần 60 dự án, tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ USD. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo, đóng góp khoảng 70% tổng thu ngân sách của địa phương.
Điển hình trong số những tập đoàn lớn của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Vĩnh Phúc phải kể đến là: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam có mặt tại Vĩnh Phúc từ những ngày đầu tái lập tỉnh.
Những năm gần đây, bên cạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, Vĩnh Phúc cũng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng. Nổi bật là cuối năm 2015, Tập đoàn Sumimoto, Nhật Bản đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dự án hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, đây là khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản với tổng diện tích 213 ha. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã và đang hoạt động hiệu quả trong khu công nghiệp này.
Xác định Nhật Bản là nhà đầu tư tiềm năng, những năm qua, tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Bộ phận Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhật Bản tại Vĩnh Phúc (Japan Desk) đã tích cực hỗ trợ giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch, với những nỗ lực đó, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản luôn đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương và đưa ra cam kết mở rộng đầu tư.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC) và Tập đoàn SOJITZ (Nhật Bản) về xây dựng chiến lược, kế hoạch mở rộng các cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi bò thịt, giết mổ, chế biến, tiếp thị, phân phối thịt và các sản phẩm từ thịt tại thị trường Việt Nam, hướng đến xuất khẩu tại Vĩnh Phúc. Hiện UBND tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị các điều kiện xây dựng xây Tổ hợp chế biến và chăn nuôi bò thịt Việt Nam – Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.
Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để Vĩnh Phúc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư lớn từ Nhật Bản trong thời gian tới. |