Quảng Ninh tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy Tỉnh Quảng Ninh: Siết chặt quản lý kinh doanh, sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử |
Hiện Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước từ năm 2017 đến nay lập kỷ lục 6 năm liên tiếp đứng đầu chỉ số PCI, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-INDEX, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI và cũng là tỉnh duy nhất cả nước có 2 năm (2020 và 2022) dẫn đầu ở cả 4 chỉ số: PCI, SIPAS, PAR-INDEX, PAPI.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: Dù giữ được thứ hạng, song nhiều chỉ số thành phần lại không có sự cải thiện. Cá biệt, vẫn có nhiều thủ tục của người dân, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều ngành, lĩnh vực cũng thường xuyên giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân như: Công an, Bảo hiểm xã hội, Điện, Nước lại chưa được đưa vào để đánh giá, xếp hạng. Với quan điểm không tự hài lòng với những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nhận diện những mặt tồn tại, hạn chế nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị |
Đối với Chỉ số Cải cách hành chính (PAR-INDEX), năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai đánh giá xếp hạng đối với 51 đơn vị, gồm: 20 sở, ban, ngành; 13 địa phương; 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh.
Theo đó, điểm trung bình của 20 sở, ngành đạt 86,89 điểm, giảm 1,65 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 88,54 điểm). Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu bảng xếp hạng đạt 93,99 điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường đứng cuối bảng xếp hạng, đạt 73,07 điểm.
Điểm trung bình của 13/13 UBND cấp huyện đạt 85,39 điểm, giảm 4,08 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 89,47 điểm); cả 13/13 địa phương năm 2022 đều có điểm trung bình giảm. Thành phố Uông Bí là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng, đạt 90,94 điểm; huyện Bình Liêu đứng cuối bảng xếp hạng, đạt 80,98 điểm.
Điểm trung bình của 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đạt 89,98 điểm, tăng 0,95 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 89,03 điểm). Trong đó, Cục Thuế tỉnh là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng, đạt 95,1 điểm; đứng cuối bảng xếp hạng là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đạt 76,26 điểm.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chỉ số Cải cách hành chính. |
Điểm trung bình của 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh đạt 72,83 điểm, tăng 2,57 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 70,26 điểm). Trong đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đạt 81,2 điểm, là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đạt 58,71 điểm, đứng cuối bảng xếp hạng.
Đối với Chỉ số SIPAS của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2022 đạt 95,40%, cao hơn so với năm 2021 là 0,96% (năm 2021 là 94,44%). Trong đó, tỷ lệ trung bình hài lòng của khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh là cao nhất đạt 96,41%; khối cấp huyện đạt 95,46%; khối sở, ban, ngành có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất, chỉ đạt 94,62%. Trong 41 cơ quan được đánh giá thì Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là đơn vị có tỷ lệ hài lòng cao nhất, đạt 97,54% và Thanh tra tỉnh có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất với 91,85%.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) của các huyện, thị xã, thành phố năm 2022 điểm trung bình đạt 72,96 điểm, đạt giá trị trung bình 91,20%, cao hơn so với năm 2021 là 0,18 điểm (năm 2021 là 72,78 điểm). Trong đó, thành phố Uông Bí là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt được là 75,53 điểm; thị xã Quảng Yên là đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng với số điểm đạt được là 70,02 điểm.
Đối với Chỉ số đánh giá mức độ chính quyền điện tử (ICT), mức độ trung bình đạt được của các sở, ban, ngành đạt được trong năm 2022 là 139 điểm, tăng 11 điểm so với năm 2021. Đây là mức độ trung bình Chính quyền điện tử, Chính quyền số đạt được cao nhất từ trước đến nay. Tồn tại hạn chế lớn nhất đối với cả khối sở, khối huyện và cấp xã là tỷ lệ văn bản ký số trực tiếp bằng chữ ký số cá nhân của các lãnh đạo trên hệ thống còn thấp.
Phát biểu tại hội nghị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: Để công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện và phát huy những kết quả đã được, với quan điểm “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc” và không tự chủ quan, tự thỏa mãn, đồng chí yêu cầu các ngành, địa phương phải luôn trăn trở, suy nghĩ, làm gì để giữ vững thương hiệu, hình ảnh Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình trong xây dựng thành công nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hài lòng hơn.
Cũng trong dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, nâng cao các bộ chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ký cam kết cải thiện, nâng cao các chỉ số trong năm 2023 và những năm tiếp theo.