Tỉnh Quảng Ninh: Phát hiện 2 cơ sở vi phạm trong kinh doanh bóng cười Tỉnh Quảng Ninh: Phát hiện 700 sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc |
Nhiều tác hại khôn lường
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện nhiều tình trạng sử dụng “bóng cười” và “thuốc lá điện tử”. Đây là những thứ đã và đang gây ra nhiều hậu quả khôn lường trong giới trẻ. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tích cực đấu tranh, từng bước đẩy lùi những hệ lụy liên quan đến thuốc lá điện tử, khí cười ra khỏi đời sống xã hội.
"Khí cười" (N2O), loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng cho người sử dụng. Tuy nhiên, sử dụng N2O gây ra các rối loạn như cảm giác, rối loạn khí sắc, nhịp tim và trí nhớ… Được biết, các địa điểm kinh doanh nhiều nhất là trong các cơ sở kinh doanh có kiều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự như quán bar, quán pub, vũ trường, karaoke, nhà hàng, câu lạc bộ…
Còn đối với thuốc lá điện tử, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong thuốc lá điện tử chứa formaldehyde, benzene, nitrosamines (chất gây ung thư), acetaldehyde, các chất gây ung thư khác. Người hút trực tiếp có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật như ung thư phổi, thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày...
Những năm gần đây, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận nhiều bệnh nhân là thanh thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, bóng cười, ma túy tổng hợp. Hệ lụy để lại là sự sa sút tâm thần, trí não một cách nghiêm trọng. Chỉ tính riêng năm 2022 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 800 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đá và thuốc lá điện tử. Trong đó chiếm trên 20% là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Điển hình như tháng 4/2023 vừa qua, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) liên tiếp cấp cứu cho các học sinh bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử, bóng cười. Với trường hợp 4 bệnh nhân nam đều 15 tuổi, sau khi sử dụng thuốc lá điện tử 1 tiếng đã xuất hiện tình trạng choáng váng, mệt mỏi, bủn rủn tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn số lượng nhiều. Khi vào viện, các bệnh nhân đã được cấp cứu và xử lý truyền dịch theo phác đồ tại Khoa Thận lọc máu (Bệnh viện Bãi Cháy).
Hay nguy hiểm hơn là trường hợp bệnh nhân nữ 15 tuổi bị tổn thương thần kinh tủy sống cổ, do ngộ độc N20 (khí cười). Theo khai thác thông tin, người bệnh đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phát hiện và tạm giữ 70 bình khí N02 tại TP. Cẩm Phả |
Tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 15 vụ, trong đó chủ trì 4 vụ, phối hợp 11 vụ, trị giá hàng hóa tiêu hủy 174.519.000 đồng, hàng hóa vi phạm 142 bình khí cười, 1.622 sản phẩm thuốc lá. Tổng số tiền phạt và tiền thu lợi bất hợp pháp là 661.940.000 đồng.
Các vi phạm tập trung vào các hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và không có giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp theo quy định tại khoản 6, điều 17 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ.
Mạnh tay ngăn chặn và xử lý
Trước thực tế này, Cục Quản lý thị trường đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tích cực thực hiện các hoạt động ngăn chặn các vi phạm về khí cười. Như Sở Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí cười trong lĩnh vực y tế; nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí cười đối với sức khỏe con người để cung cấp cho các cơ quan truyền thông và kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.
700 sản phẩm thuốc lá điện tử trên xe chở khách vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện |
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn và các cơ quan liên quan tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng khí cười trong học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Bên cạnh đó, các cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tổng rà soát hoạt động kinh doanh khí cười trên địa bàn tỉnh, tăng cười công tác kiểm tra, xử lý hành vi mua bán, vận chuyển, tang trữ, sử dụng trái phép khí cười.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cười công tác chỉ đạo phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 389 huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến khí cười trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Hiện Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh; Công an các huyện, thị xã, thành phố… tổ chức, triển khai đợt tổng kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến khí cười, shisha, thuốc lá điện tử trên toàn tỉnh Quảng Ninh. Thời gian bắt đầu từ ngày 20/4/2023 đến hết ngày 15/7/2023"
Bên cạnh đó, các Đội quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp với phòng giáo dục, phòng y tế, phòng văn hóa thông tin, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên về tác hại của việc sử dụng khí cười, shisha, thuốc lá điện tử. "Ngoài ra, quá trình kiểm tra, xử lý sẽ kết hợp tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vũ trường, bar, pub, louge... về tác hại và các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh, sử dụng trái phép khí cười, shisha, thuốc lá điện tử" - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh chia sẻ thêm.
N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, cụ thể: N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất), chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm. Hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Việc nhập khẩu, mua bán… chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội được phép thực hiện nhưng được pháp luật quy định chặt chẽ. Mặc dù N2O không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất nhưng việc sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng. |