Sau gần 3 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Quảng Ninh đã đạt gần 50% yêu cầu trên cả 3 trụ cột của chuyển đổi số là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đạt trên 98,5%. Quảng Ninh là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc hàng đầu cả nước.
Đáng chú ý, trong 3 trụ cột của chuyển đổi số, lĩnh vực kinh tế số của Quảng Ninh đã đạt được nhiều bước tiến trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đến hết tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, gần 62.000 tài khoản doanh nghiệp; trong đó, có hơn 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động, hơn 595.000 tài khoản mở bằng hình thức xác minh danh tính điện tử, nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân... Bình quân toàn tỉnh có 2,5 tài khoản đang hoạt động/người dân từ 15 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có gần 802.000 tài khoản ví điện tử được sử dụng trên nền tảng di động được định danh qua số điện thoại chính chủ.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều bước tiến trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến. Ảnh: Thùy Dương |
Đến hết tháng 9/2024, theo số liệu thống kê, có 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử có tên tuổi của Việt Nam như: Voso, Postmart, Tiki… Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh hiện giới thiệu và bán 393/393 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao của tỉnh; ký kết hợp tác với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Viettel - Viettel Post, VNPT - VietNamPost... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn.
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 19 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III triển khai mô hình chợ 4.0; 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí, thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%...
Đồng thời, các địa phương cũng đang nghiên cứu mở rộng, phấn đấu triển khai hiệu quả tại 100% các chợ trên địa bàn trong năm 2025. Tỉnh Quảng Ninh cũng giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp thực hiện hướng dẫn các hộ kinh doanh tại các chợ khởi tạo và sử dụng mã QR để thực hiện thanh toán các giao dịch, đảm bảo kết nối, liên kết các tài khoản ngân hàng với ví điện tử của các đơn vị viễn thông được đồng nhất.
Cùng với mô hình chợ 4.0, hiện Quảng Ninh cũng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với kết quả 13/13 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện đạt 89,41%; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước đạt 84,19%...
Trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu, 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu, như: Thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu.
Được biết, trong thời gian qua, cơ quan thuế tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh triển khai giải pháp hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền. Tính đến nay, đã có 1.760/1.781 người nộp thuế (gồm doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh) đã sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền cho hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng đạt 98,82%.
Từ những kết quả bước đầu, kinh tế số đang được Quảng Ninh xác định là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP…