Tỉnh Quảng Ninh: Điểm danh 19 dự án chậm tiến độ sử dụng đất Sự thật về thông tin video Công an tỉnh Quảng Ninh lạm quyền |
Ngày 26/5, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh tổ chức phiên giải trình về tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân nguồn kinh phí sự nghiệp cho lĩnh vực y tế, giáo dục.
Theo báo cáo tại buổi họp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh năm 2023 đến ngày 19/5/2023 đạt 15,6%, thấp hơn cùng kỳ (19,1%); tỷ lệ thu hồi tạm ứng năm 2022 và các năm trước chuyển sang năm 2023 mới đạt 16%; tiến độ triển khai các dự án chuyển tiếp và thủ tục khởi công các dự án mới năm 2023 còn chậm so với chỉ đạo.
Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới giai đoạn 2023-2025 chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân khai chi tiết cho các Chương trình mục tiêu theo Nghị quyết 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Kinh phí phân bổ cho lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn chưa được giải ngân. Đến nay vẫn đang trong quá trình giao dự toán cho đơn vị cấp dưới trực thuộc.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhận diện những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (Ảnh QMG) |
Nguyên nhân được nêu ra là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ càng dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh; tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; vướng mắc về việc xác định nguồn đất đắp và vị trí đổ thải, nhất là đối với một số dự án có kế hoạch vốn lớn trong năm. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong các bước thực hiện dự án, cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đất san lấp, xử lý tài sản công chưa nhuần nhuyễn; tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một số chủ đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã rất cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bằng các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp thực thi nhiệm vụ đầu tư công theo quy định pháp luật. Đây cũng là những nội dung ràng buộc trách nhiệm rất chặt chẽ từ tỉnh tới cơ sở, các chủ đầu tư… được thể hiện rõ trong các văn bản của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhận diện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, thậm chí là khó khăn hơn so với các năm trước. Công tác lập, báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư chất lượng còn thấp, còn chậm ảnh hưởng tới việc trình quyết định chủ trương đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi…; giải phóng mặt bằng, vị trí đổ thải, đất san lấp... xử lý tài sản công vẫn còn những khó khăn.
Nguyên nhân chính liên quan tới công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết công việc có thời điểm, có việc chưa chặt chẽ, kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; có tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu quyết tâm, quyết liệt, sợ sai trong một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và người đứng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Phải tiếp tục tái cơ cấu gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, ngân sách tập trung cho an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và các công trình có tính chất động lực lan tỏa; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thúc đẩy tiến độ, nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án; tăng cường cơ chế kiểm soát tạm ứng kinh phí và thanh toán vốn đầu tư theo thực tế khách quan khối lượng thi công và chất lượng; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế và quy trình giám sát, nhất là giám sát hiện trường, công tác nghiệm thu trong quá trình thanh quyết toán đưa dự án vào vận hành...