Gỡ khó về mặt bằng cho dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống tại Thanh Hoá Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực: Đôn đốc tiến độ các dự án truyền tải nhập khẩu điện từ Lào |
Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống đoạn qua tỉnh Nghệ An còn “ì ạch”, do nhiều vướng mắc trong tiến độ giải phóng mặt bằng trước tiến độ bàn giao mặt bằng. Ngày 23/3, tại Nghệ An, ông Hoàng Trọng Hiếu – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia phát triển điện lực đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh nhằm thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng.
Tập trung tháo gỡ "nút thắt” mặt bằng
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án công trình điện miền Bắc (NPMB), đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống (phần đường dây trên lãnh thổ Việt Nam) đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài gần 78 km (52 khoảng néo, 174 vị trí cột), đi trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu. Dự án triển khai thi công tháng 4/2022 và dự kiến hoàn thành trong quý III/2023. Tuy nhiên đến nay còn rất nhiều vướng mắc mặt bằng.
Đoàn công tác kiểm tra thực địa vị trí 54 đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống đoạn qua địa phận huyện Quế Phong. |
Đoạn qua địa bàn huyện Quế Phong đã kiểm kê được 98/102 vị trí cột, tạm ứng tiền và bàn giao mặt bằng được 52 vị trí. Phần hành lang tuyến đã kiểm đếm 389/412 hộ gia đình cá nhân, còn 3 tổ chức và 10 hộ có nhà, vật kiến trúc.
Đoạn qua địa bàn huyện Quỳ Châu đã kiểm đếm 67/72 vị trí cột, đã tạm ứng tiền và bàn giao mặt bằng được 39 vị trí. Phần hành lang tuyến đã kiểm đếm 208/209 hộ gia đình cá nhân, còn 1 tổ chức chưa thực hiện.
Theo NPMB, hiện nay khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại huyện Quế Phong là chưa có giá đất cụ thể nên chưa lập được phương an bồi thường và công khai cho các hộ gia đình. UBND huyện chưa có tờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh về hỗ trợ cây trồng và đất như UBND huyện Quỳ Châu (cùng 1 dự án). Công tác kiểm kê nhà, vật kiến trúc trong hành lang, Hội đồng giải phóng mặt bằng đang trong quá trình thực hiện nhưng chưa xong (có khoảng 10 nhà, vật kiến trúc).
Đoàn công tác kiểm tra thực địa và nghe báo cáo tiến độ thi công dự án. |
Đối với huyện Quỳ Châu, hiện còn vướng mắc nhỏ khi Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Quỳ Châu đã bố trí lịch trả tiền cho các địa phương từ ngày 22/03/2023, tiến độ thực hiện cũng bị chậm do thay đổi kế toán của Hội đồng.
Khó khăn nhất hiện nay của dự án là vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có đến 97,1% các vị trí móng cột bị ảnh hưởng bởi diện tích đất rừng (bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng).
Về rừng tự nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng phần chân móng cột. Đối với phần đất mượn thi công và đường tạm, hiện đã trích đo xong, đã gửi Kiểm lâm tỉnh Nghệ An xem trước và đang hoàn thiện lại.
Về rừng trồng, HĐND tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, NPMB đã chuyển tiền nộp tiền trồng rừng thay thế và đang làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định pháp luật.
Trước vướng mắc mặt bằng nên tiến độ thi công hiện nay cũng chậm. Hiện toàn tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An đúc móng hoàn thành 85/174 vị trí, lắp dựng cột hoàn thành 18 vị trí và chưa thể tổ chức kéo dây.
Cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía địa phương
Trước tính chất cấp bách của dự án, tại buổi làm việc ông Bùi Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNNPT đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh Nghệ An sớm phê duyệt giá đất cụ thể của huyện Quế Phong. Về chế độ chính sách đề nghị UBND huyện Quế Phong sớm có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh. Về kiểm kê nhà, vật kiến trúc đề nghị Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng sớm hoàn thiện hồ sơ.
Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực cho rằng, đây là dự án cấp bách, được đầu tư xây dựng nhằm mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho Hệ thống điện Quốc gia. Dự án nhằm cụ thể hóa cam kết giữa Đảng và Chính phủ 2 nước trong tăng cường hợp tác năng lượng.
Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai thi công, tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án tại tỉnh Nghệ An còn chậm. Khẳng định giải phóng mặt bằng dự án truyền tải điện luôn là vấn đề khó khăn nhất. Vì vậy, ông Hoàng Trọng Hiếu đề nghị các sở, ngành, địa phương tỉnh Nghệ An vào cuộc quyết liệt, sớm phê duyệt phương án bồi thường. Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các vị trí đường vào thi công, hiện nay nhiều địa phương đã triển khai và được Thủ tướng, bộ, ngành đồng ý. Chính vì vậy, các sở, ngành địa phương tỉnh Nghệ An tập trung nguồn lực, giải quyết sớm hồ sơ khi chủ đầu tư trình để giải quyết sớm nhất. Văn phòng Ban chỉ đạo sẽ có văn bản gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng dẫn, giải quyết sớm nhất theo thẩm quyền được giao.
Tại buổi làm việc, ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, các dự án điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm vì các dự án mang lại mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh. Đối với dự án đường dây 220 kV Nậm Sum – Nông Cống, lãnh đạo UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và giao Sở Công Thương đầu mối đốc thúc các sở, ngành, UBND các địa phương. Đối với những vướng mắt mặt bằng thuộc thẩm quyền của tỉnh, tỉnh cam kết sẽ xử lý dứt điểm, trong thời gian sớm nhất.
Những khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi mục đích rừng đối với đường tạm vào thi công, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh về hoàn thiện hồ sơ thủ tục, sớm nhất, đồng thời đề nghị EVNNPT có văn bản, viện dẫn các dự án tương tự đã được sự đồng ý của Thủ tướng và các bộ, ngành để UBND tỉnh ra quyết định.
Đối với các kiến nghị của EVNNPT liên quan đến các sở, ngành, địa phương liên quan, Sở Công Thương sẽ có văn bản tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo cụ thể các sở, ngành giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất để dự án hoàn thành trong quý III/2023./.
Dự án đi trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), có chiều dài gần 130 km gồm 2 mạch. Trong đó đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài 77,31 km (48 khoảng néo), gồm 174 vị trí. Đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 52,64 km (49 khoảng néo), gồm 125 vị trí. Toàn tuyến có đến 85,28% các vị trí móng cột bị ảnh hưởng bởi rừng. |