Cuộc họp tháo gỡ khó về mặt bằng cho dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hoá |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực - Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh: Những năm qua, nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế xã hội tăng rất cao, trong đó có khu vực Thanh Hoá, Nghệ An. Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều dự án nguồn điện lớn theo quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh chậm tiến độ thì việc tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện đã được tăng cường, trong đó có việc nhập khẩu nguồn điện từ Lào.
Thực hiện mục đích trên, cũng như triển khai các Hiệp định hợp tác về năng lượng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc đã đầu tư xây dựng một số đường dây, trạm biến áp 220kV phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, trong đó có dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống.
Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Văn phòng Ban Chỉ đạo mong muốn UBND tỉnh, các sở ngành địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai dự án thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng BCĐ quốc gia về phát triển điện lực |
Theo báo cáo của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) – chủ đầu tư dự án, đoạn tuyến đường dây 220kV Trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm 124 vị trí móng cột, 46 khoảng néo, đoạn tuyến có chiều dài 51,9 km đi qua địa bàn 3 huyện Như Xuân (69VT), Như Thanh (45VT), Nông Cống (10VT).
Các huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (HĐBTGPMB), đã ban hành thông báo thu hồi đất. Hiện đang kiểm kê để tiến hành bước tiếp theo (xác định nguồn gốc đất, giá phương án, lập phương án....)
Huyện Như Xuân đã thực hiện kiểm đếm xong 45/69 vị trí. Đã tạm ứng tiền và bàn giao mặt bằng được 07 vị trí. Tuy nhiên, huyện Như Xuân còn đang vướng vị trí đất ở Trại giam Thanh Lâm phải chờ ý kiến của Bộ Công An.
Tại huyện Như Thanh kiểm đếm xong 45/45 vị trí; huyện Nông Cống kiểm đếm xong 09/10 vị trí.
Ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại buổi làm việc |
Hiện tại huyện Nông Cống và xã Mậu Lâm huyện Như Xuân chưa được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất dẫn đến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hoá chưa có cơ sở thẩm định hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa và chuyển đổi đất rừng cho dự án.
Đại diện EVNNPT báo cáo quá trình thực hiện dự án |
Đại diện EVNNPT cho biết, để dự án hoàn thành đóng điện vào tháng 12/2022, công tác bàn giao mặt bằng móng cột trong tháng 7/2022, để đúc móng xong trong tháng 8/2022, dựng cột xong trước tháng 11/2022. Phần hành lang cần bàn giao trong tháng 10/2022 để kéo dây, hoàn thiện.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có cả diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng bị ảnh hưởng bởi dự án. Do đó, EVN/EVNNPT đề nghị các huyện, các sở, ngành tham mưu, báo cáo UBND tỉnh sớm cập nhật kế hoạch sử dụng đất bổ sung của các xã, huyện trước khi Hội đồng nhân dân tỉnh họp ra Nghị quyết; Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên trong đầu tháng 6/2022. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh các thủ tục thẩm định chuyển đổi rừng trồng để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Đề nghị UBND các huyện có liên quan tạo điều kiện, phối hợp với Ban quản lý các công trình điện miền Bắc (đơn vị thay mặt EVNNPT quản lý dự án) đẩy nhanh công việc kiểm kê song song với công tác phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để có phương án đền bù, bàn giao mặt bằng, song song với quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục liên quan.
Đại diện sở, ngành của tỉnh Thanh Hoá nêu ý kiến tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, các huyện Như Xuân, Nông Cống đã cung cấp thêm thông tin về quá trình triển khai hỗ trợ chủ đầu tư; đồng thời nêu những khó khăn vướng mắc cần chủ trương của UBND tỉnh Thanh Hoá.
Ông Lê Tiến Dũng – Phó giám đốc Sở Công Thương Thanh Hoá cho biết, quan điểm của UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương luôn ủng hộ các dự án đầu tư của ngành điện, đặc biệt là các công trình cấp điện quốc gia.
Liên quan đến dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống, ông Lê Tiến Dũng cho biết các sở, ngành sẽ hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư nhằm giải quyết 3 khó khăn vướng mắc liên quan đến kế hoạch sử dụng đất ở các huyện, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và vướng mắc liên quan đến vị trí ở trại giam Thanh Lâm. Tuy nhiên, đề nghị ngành điện cần hoàn thiện hồ sơ, tài liệu đầy đủ để các cấp chính quyền có cơ sở, thống nhất giải quyết sao cho thuận lợi.
Đối với các huyện, ông Dũng đề nghị tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho nhân dân về ý nghĩa, lợi ích của dự án; đồng thời phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh quá trình thủ tục đền bù, vận động nhân dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Trọng Hiếu cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án. Hiện công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục liên quan đến đất rừng của dự án được đánh giá là rất chậm, do đó cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND tỉnh Nghệ An, các sở, ngành, địa phương cho chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các thủ tục song song với quá trình thi công dự án, không trái với quy định của pháp luật vì thời gian không còn nhiều.
Ông Hoàng Trọng Hiếu cũng lưu ý chủ đầu tư cần làm việc, lựa chọn các tư vấn có năng lực, chuẩn bị hồ sơ chuẩn chỉ, tránh trình đi trình lại nhiều lần; bám sát và thực hiện kịp thời hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.