Liên kết phát triển kết tiểu vùng Nam Trung Bộ: Kết quả còn khiêm tốn Liên kết vùng trong bối cảnh mới đứng trước những thuận lợi, khó khăn nào? |
Ngày 23/6, Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của tỉnh Khánh Hòa.
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết qua 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW, Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tỉnh đã khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển để duy trì tốc độ tăng trưởng và liên tục, tăng trưởng kinh tế chuyển mạnh sang các ngành dịch vụ, chế biến chế tạo, từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chưa đạt được các mục tiêu đề ra; khả năng thích ứng của nền kinh tế còn thấp khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chưa thu hút đầu tư được các ngành có hàm lượng công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn; chất lượng lập, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa cao, phát triển đô thị còn nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời...
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng, Khánh Hoà có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, vì vậy, từ việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến mới đây kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa" cho thấy Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến Khánh Hòa. Đây cũng là điều kiện để tỉnh Khánh Hòa “bứt tốc” trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao kết quả mà tỉnh Khánh Hòa đạt được sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và mong muốn Khánh Hòa sẽ làm tốt sứ mệnh đầu tàu, trở thành động lực thúc đẩy liên kết phát triển các tỉnh trong tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Khánh Hòa đã đạt được trong thời gian qua. Nổi bật như GRDP giai đoạn 2005 – 2020 tăng trung bình 7,2%/năm cao hơn mức bình quân chung cả nước. Quy mô kinh tế của Tỉnh (theo giá hiện hành) năm 2019 tăng gấp 7,5 lần so với năm 2004, đứng thứ 5/14 địa phương của vùng. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) năm 2019 gấp 6,8 lần năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản theo đúng tinh thần của Nghị quyết 39-NQ/TW…. Đặc biệt, đồng chí cũng đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Khánh Hòa thông qua việc được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022.
“Những thành tựu đã đạt được cho thấy Nghị quyết 39-NQ/TW đã đi vào cuộc sống và sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết, diện mạo của Khánh Hòa thay đổi rõ nét, điều này thể hiện sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa”, đồng chí Trần Tuấn Anh nói.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra tỉnh Khánh Hòa vẫn dưới mức tiềm năng, chưa khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội một cách tương xứng, đóng góp cho tăng trưởng của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước còn hạn chế. Quy hoạch chưa kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh tỏng thực tiễn. Nhiệm vụ dây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong là vấn đề mới, chưa có thực tiễn tại Việt Nam nên gặp nhiều khó khăn, phức tạp trong quá trình thực hiện…
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa nhằm phát huy lợi thế, tạo cú huých để thúc đẩy Khánh Hòa có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Đồng chí mong muốn từ Nghị quyết này, không chỉ để Khánh Hòa phấn đấu để đến năm 2045 là “đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không” mà còn phải có sứ mệnh đầu tàu, trở thành động lực thúc đẩy liên kết phát triển các tỉnh trong tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong bối cảnh mới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng Nghị quyết về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa" là điều kiện để tỉnh Khánh Hòa “bứt tốc” trong thời gian tới. |
Để thực hiện được những mục tiêu đó, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế biển để Khánh Hòa trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển. Tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa, một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà, Nam Khánh Hòa - Bắc Ninh Thuận và Khánh Hòa - Tây Nguyên. Bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 81-KH/BKTTW, ngày 16/5/2022 phục vụ việc tổng kết; trong đó Hội nghị tổng kết và Báo cáo tổng kết của địa phương là một trong những cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. |