CôngThương - Khám phá chùa Khmer
Mặc dù đã biết đến chùa Khmer qua sách báo, xem những phóng sự giới thiệu về chùa Khmer, nhưng khi trực tiếp được nhìn thấy, được chạm vào những bức tượng, bức tranh mới thấy hết được sự tinh tế, vẻ đẹp riêng có của chùa Khmer Nam Bộ. Với vẻ ngoài bề thế, lỗng lẫy nhưng bên trong ngôi chùa lại hết sức tôn nghiêm, thanh tịnh, thư thái với các trang trí mang yếu tố Phật giáo Tiểu thừa nhiều màu sắc.
Được khởi công vào năm 2009, quần thể chùa Khmer thuộc Làng dân tộc Khmer - Khu các làng dân tộc III được xây dựng trên diện tích khoảng 0,8 héc-ta. Chùa được xây dựng theo nguyên mẫu chùa K’leang, một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, do chính người nghệ nhân Khmer Nam Bộ trực tiếp thiết kế và xây dựng. Với sự đầu tư về công sức, thời gian của những người thợ, nghệ nhân Khmer tài hoa ngôi chùa đã được tái hiện đầy đủ nhất bao gồm: Tam quan, Chính điện, Tháp góc, Nhà thiêu, Vườn tháp, Nhà để ghe ngo, Nhà thuyền, Sa la, Am thờ, Cột cờ, Ao sen… Trong đó, Chính điện của chùa có 4 cửa đi vào trong, dọc hai bên Chính điện đều có dãy cửa sổ mở để lấy sáng và làm thông thoáng bên trong Chính điện.
Tiếp chuyện chúng tôi, nghệ nhân Lý Lết - người thiết kế chính của chùa cho biết, nét độc đáo trong nghệ thuật chùa Khmer nói chung và chùa Khmer ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam nói riêng là tuân thủ quy tắc tam hỏa. Theo đó, kích thước của vị trí trung tâm chính điện (Krư) là cơ sở để xác định quy mô cũng như kích thước các bộ phận khác của chùa. Đây là quy tắc căn bản nhất trong xây dựng một ngôi chùa Khmer, đồng thời là dấu hiệu để nhận dạng và phân biệt với chùa Khmer với chùa các dân tộc khác.
Ngoài ra, điêu khắc cũng là một yếu tố làm nên sự độc đáo của chùa Khmer. Nghệ nhân Lý Lết cho biết, nóc trần và dọc theo bốn bức tường bên chính điện đều được vẽ các bức tranh như Lễ hạ điền, Tì kheo Ni, Vích-sen-do kể về cuộc đời của đức Phật từ lúc sinh ra đến khi Niết Bàn với những giá trị nhân văn cao đẹp và những triết lý sâu sắc. Nơi cao nhất và tôn nghiêm nhất là nơi đặt tượng Phật. Ngoài tượng Phật, nghệ thuật điêu khắc còn thể hiện ở tượng đầu thần Mahaprum, Kayno, Krud. Ngoài ra, nghệ thuật trang trí cũng hết sức cầu kỳ, từ cổng vào, riềm tường, cột, khuôn cửa. Trong đó tổng hợp đầy đủ nhất những yếu tố của chùa Khmer Nam Bộ, không gian tâm linh và trang trí nghệ thuật hòa quyện với nhau.
Gắn kết cộng đồng
Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, ngôi chùa có một vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống người dân. Ngôi chùa không những là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Mặt khác, ngôi chùa như một biểu tượng văn hóa tinh thần và vật chất của dân cư trong khu vực. Ngôi chùa luôn mang một tình cảm sâu sắc vì chùa là nơi thờ Phật, nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên và điều ước mong của con người đang sống là khi nhắm mắt xuôi tay được nhập tịch vào chùa để sống cuộc đời Tiên Phật trên cõi Niết bàn xa xăm.
Vì ý nghĩa này mà ngoài giá trị về mặt kiến trúc, sức hấp dẫn của ngôi chùa Khmer tại Hà Nội chính là nằm ở chiều sâu văn hóa. Cho nên, với các nghệ nhân, những người trực tiếp xây dựng ngôi chùa họ rất xúc động khi sự cống hiến của mình đã tôn vinh giá trị tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ, đồng thời giúp cho du khách hiểu hơn về một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Có lẽ vậy, mà nghệ nhân Lý Lết tự hào tâm sự ngôi chùa chính là món quà quý trong Tuần lễ Đại đoàn kết dân tộc.
Thời gian tới, đối với Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chùa Khmer sẽ là công trình kiến trúc có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách thập phương dừng chân, tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, cũng như cộng đồng các dân tộc anh em khác tại làng. Tuy nhiên, để phát huy được giá trị của ngôi chùa, nghệ nhân Lý Lết cho rằng, khi đã hình thành một ngôi chùa thì cần có sư trụ trì chăm sóc, hương khói, bởi giữ gìn tốt ngôi chùa chính là chăm chút giá trị tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ, cũng như để chùa khỏi mai một theo thời gian.