Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập Phát triển thị trường lao động: Mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện, xây dựng thể chế kinh tế thị trường |
Ngày 6/10, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2022. Tại sự kiện, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: Thị trường lao động quý III/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi.
"Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III/2022 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng lên so với quý trước" - đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.
Biểu đồ thu nhập bình quân tháng của lao động quý III giai đoạn 2019-2022 và quý II/2022 |
Cùng với đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong quý III/2022, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III/2021.
Trong tổng số 50,8 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương 19,8 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,4%, tương đương gần 17,0 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,6%, tương đương 14,0 triệu người.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III/2022 là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III/2021 |
So với quý trước, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng trong quý III/2022 tăng 147,0 nghìn người và tăng 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong ngành dịch vụ tăng 5,5 nghìn người so với quý trước và tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 102,6 nghìn người so với quý trước và giảm 432,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 143 nghìn đồng so với quý trước. Trong quý II/2022 nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, thu nhập bình quân của người lao động ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý I/2022, đây là xu hướng trái ngược với diễn biến trong các năm trước khi mà thu nhập quý II thường giảm so với quý I.
Bước sang quý III/2022, thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục có nhiều chuyển biến theo đà tăng trưởng tích cực với mức tăng 30,1%, tương ứng tăng khoảng 1,6 triệu đồng.
Tính chung 9 tháng năm 2022. Thu nhập bình quân của người lao động là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 với mức tăng 12,4%, tương ứng tăng 727 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 tăng 11,8%, tương ứng tăng 693 nghìn đồng. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực cho thị trường lao động Việt Nam trong 9 tháng năm 2022.
Biểu đồ tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo vùng kinh tế xã hội, quý III/2021 và 2022 |
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, một trong những “bệ đỡ” cho thị trường lao động quý III và 9 tháng đầu năm 2022 đó là, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đà phục hồi mạnh. Cùng với đó, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả. Tính đến ngày 25/8/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã hỗ trợ 1.539 tỷ đồng cho 2,4 triệu người lao động đang làm việc trong 49.469 doanh nghiệp; hỗ trợ gần 150 tỷ đồng cho 131.074 người lao động quay trở lại thị trường lao động tại 11.586 doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê); mặc dù, không phải tất cả người lao động đều nhận được hỗ trợ nhưng Nhà nước và nhân dân đã rất cố gắng khắc phục khó khăn để các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục trở lại trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh số người có việc làm tăng lên so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thì số thiếu việc làm đã giảm đi so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2022 là khoảng 871,6 nghìn người, giảm 10,1 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 993,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,92%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2022, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là gần 1,03 triệu người, giảm 293 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2022 là 2,29%, giảm 0,77 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động - Tổng cục Thống kê: So với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đời sống của người lao động trong quý III/2022 đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn, với thu nhập bình quân của người lao động III/2022 tăng cao, tăng 14,5%, tương ứng tăng khoảng 854 nghìn đồng. |