Hà Giang: Nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư |
Ngay từ cuối năm 2021, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều Nghị quyết, quyết định chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 như: Nghị quyết số 48/NQ-HĐND về việc phê chuẩn phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022; Quyết định số 2599/QĐ-UBND về việc giao Kế hoạch vốn đầu tư công, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2022; Hướng dẫn số 2670/HD-UBND về triển khai thực hiện Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách nhà nước năm 2022....
Tuy nhiên, tính đến ngày 15/10/2022, tỉnh Hà Giang mới giải ngân được trên 1.600 tỷ đồng, bằng 32,87% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Dân dụng và Công nghiệp đã giải ngân trên 94,11 tỷ đồng/396,95 tỷ đồng, đạt 24%; Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân 135 tỷ/428.065 tỷ đồng, đạt 32%; Ban quản lý dự án Đầu tư xây dụng công trình Giao thông 295,7 tỷ đồng/717.03 tỷ đồng, đạt 41,24%, Ban Điều phối CPRP giải ngân được 74,98 tỷ đồng/ 449,68 tỷ đồng, đạt 16,67%...
Nhiều tuyến đường liên huyện của tỉnh Hà Giang đang được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công |
Sở dĩ việc giải ngân các nguồn vốn của tỉnh Hà Giang còn chậm so với kế hoạch là do những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 và thiên tai diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống đồng bào dân tộc ở Hà Giang.
Bên cạnh đó, giá xăng, dầu và nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến một số ngành vận tải, xây dựng, tiến độ thi công các dự án đầu tư. Chưa kể đến việc, cơ chế, chính sách quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thay đổi. Trong khi, rất nhiều hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài: từ khâu nhập máy móc, thiết bị đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tư vấn xây dựng thiết kế kỹ thuật… dẫn đến thời gian xin ý kiến thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động kéo dài…
Xác định, vốn đầu tư công góp phần đặc biệt quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là với địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh Hà Giang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, tránh tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”.
Theo đó, tỉnh Hà Giang liên tiếp có các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, rà soát kỹ từng thủ tục, từng khâu trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của mỗi dự án; xác định khó khăn, vướng mắc phát sinh và có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Song song với đó, thực hiện linh hoạt công tác giải phóng mặt bằng gắn với trách nhiệm người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị, nhất là đối với một số dự án có tổng mức đầu tư, quy mô đầu tư lớn. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chuyển vốn kịp thời từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định; tăng cường hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ điều hành, quản lý dự án…
Kiểm tra công tác quy hoạch, ông Nguyễn Văn Sơn (áo trắng)- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần xem xét và có phương án xử lý, tránh tình trạng sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả |
Để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022; UBND tỉnh Hà Giang đang tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành.
Đặc biệt, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương giao.