Giải bài toán giá thành vật tư nông nghiệp với sản xuất hữu cơ Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến |
Tỉnh Đồng Nai đã thông qua Nghị quyết 05/2023/NQ-HĐND, quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Chính sách này nhằm thu hút các thành phần kinh tế có năng lực đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách tỉnh Đồng Nai hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn đến năm 2030, bao gồm: Hỗ trợ một lần 100% chi phí xác định diện tích đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, gồm điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí. Mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/doanh nghiệp.
Vườn Bưởi da xanh đạt chuẩn hữu cơ của ông Nguyễn Văn Tuấn ở Xuân Lộc, Đồng Nai |
Tiếp theo là chính sách hỗ trợ một lần về vật tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các cơ sở. Cụ thể là hỗ trợ phân bón hữu cơ đối với lĩnh vực trồng trọt với mức hỗ trợ như sau: Sầu riêng, xoài, bưởi, dưa lưới 25 triệu đồng/ha; chôm chôm, hồ tiêu, ca cao 20 triệu đồng/ha; rau ăn quả 12 triệu đồng/ha; cây điều 10 triệu đồng/ha; lúa và rau ăn lá 9 triệu đồng/ha. Hỗ trợ thức ăn hữu cơ đối với lĩnh vực chăn nuôi với mức hỗ trợ như sau: Heo 8 triệu đồng/đơn vị vật nuôi; gà: 5 triệu đồng/đơn vị vật nuôi.
Chính sách hỗ trợ một lần chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ bao gồm: Tư vấn, đào tạo, kiểm nghiệm, đánh giá chuyển đổi, đánh giá cấp giấy chứng nhận, giám sát; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nước ngoài cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/giấy chứng nhận; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn nước ngoài cho đối tượng là doanh nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/giấy chứng nhận.