Chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội Thu hồi hàng nghìn tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra đóng bảo hiểm xã hội |
Tính đến tháng 10/2022, tỉnh An Giang có 3.184 đơn vị, doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho 119.018 người lao động. Thời gian vừa qua, từ việc rà soát 697 đơn vị sử dụng lao động thông qua dữ liệu do Cục Thuế cung cấp, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phát triển được 2.113 người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, từ đó đảm bảo quyền lợi cho số người lao động này.
Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang cũng đã chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với tổng số tiền 2.207 tỷ đồng. Trong đó gồm: Chi trả Bảo hiểm xã hội cho 36.960 người với số tiền 1.843 tỷ đồng; chi Bảo hiểm thất nghiệp cho 23.930 người với số tiền gần 364 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) cho 1.592 đơn vị, doanh nghiệp tương ứng 83.510 người lao động, với số tiền 49,152 tỷ đồng…
Ông Đặng Hồng Tuấn - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang thông tin, những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chấp hành tốt chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là duy trì được việc làm và thu nhập giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, tính đến tháng 10/2022, tổng số nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế trên toàn tỉnh lên đến 194,948 tỉ đồng - đây là con số đáng lo, bởi không chỉ chiếm 5,51% so với số phải thu, mà còn tăng cả 3 phương diện. Cụ thể, tăng 1,12% so với cuối tháng trước, tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 2,33% so với chỉ tiêu giảm nợ quý IV/2022. Nổi bật nhất là nợ Bảo hiểm xã hội chiếm đến 137,121 tỉ đồng. Trong đó có đến trên 96 tỉ đồng thuộc diện nợ kéo dài và nợ khó thu hồi. Riêng nợ BHTN cũng lên đến trên 5,5 tỉ đồng, chiếm 2,88% tổng nợ…
Trong tháng 10/2022, chỉ tính ở 2 doanh nghiệp là Công ty CP Đầu tư Thái Bình và Công ty TNHH An Giang Samho đã giảm trên 1.500 lao động. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng dẫn đến số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc sụt giảm. Theo đó số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp cũng giảm theo. Thậm chí, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, phá sản, nhưng không hoàn tất nghĩa vụ bảo hiểm đã gây thiệt thòi đến quyền lợi người lao động, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Trước thực trạng này, cuối tháng 10/2022, An Giang đã khẩn cấp thành lập đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Tinh thần chung của đoàn kiểm tra là xử lý nghiêm minh các sai phạm, đặc biệt là với doanh nghiệp.
Ông Đặng Hồng Tuấn cho biết, để kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai hiệu quả công tác phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong những tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo tỉnh An Giang sẽ tiến hành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tại các huyện, thị, thành phố.
Để thực hiện tốt chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia thông qua việc tổ chức hội nghị với các Doanh nghiệp từ dữ liệu Thuế, mở rộng hệ thống mạng lưới tổ chức dịch vụ thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế bao phủ các địa bàn xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về tính nhân văn của chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đôn đốc các cơ sở giáo dục có tỷ lệ Bảo hiểm y tế học sinh đạt thấp; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, lập danh sách cấp thẻ cho người nghèo, người cận nghèo kịp thời; giám sát, đôn đốc Văn phòng Điều phối cấp huyện, Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các xã rà soát duy trì tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế...